Điểm đến

Công trình quân sự hoành tráng trên Thượng Thành Huế: Được trang bị hàng chục pháo đài, đại bác, hơn 200 năm vẫn sừng sững dù trải qua mưa bom bão đạn

Quỳnh Châu 18/01/2024 08:18

Thân thành được xây khúc khuỷu với 24 pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo là hệ thống tường bắn, pháo nhãn, xưởng súng, kho đạn, điếm canh…

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Kinh thành Huế hay còn gọi là vòng thành ngoài của Cố đô Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, bắt đầu vào mùa hè năm 1805 và kết thúc vào năm 1832. Trong đợt thi công đầu tiên vào năm 1805, triều Nguyễn đã huy động khoảng 30.000 dân và lính ở các tỉnh miền Trung về Huế để ngăn sông, đào hào và đắp thành sơ khởi bằng đất.

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Báo Thanh Niên

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Báo Thanh Niên

Công việc tiếp diễn trong nhiều năm. Đến năm 1818, số lính và dân công lên đến 80.000 người, họ bắt đầu xây gạch ốp vào mặt tiền (phía nam) và mặt hữu (phía tây) của Kinh thành. Còn mặt tả (phía đông) và mặt hậu (phía bắc) thì được xây gạch ốp năm 1822. Sau đó, vua Minh Mạng tiếp tục cho xây thêm tường bắn ở đỉnh mặt ngoài của vòng thành vào các năm 1831 và 1832.

Chu vi của vòng thành xây bó bằng gạch là hơn 10km. Bề dày trung bình của thân thành là 21,5m, bao gồm bề dày của phần mô thành đắp bằng đất ở giữa là 18,5m, lớp gạch xây bó ở mặt ngoài là 2m và lớp gạch xây bó ở mặt trong là 1m. Trên thành (thường được gọi là Thượng Thành) không phải là một mặt phẳng, mà được đắp giật cấp, tạo thành 3 dải đất thấp dần kể từ ngoài vào phía Thành Nội.

Pháo đài Tây Thành lộ ra ngôi hỏa dược khố và các pháo nhãn phòng thủ xưa của triều Nguyễn. Ảnh: Đại Dương/Báo Lao Động

Pháo đài Tây Thành lộ ra ngôi hỏa dược khố và các pháo nhãn phòng thủ xưa của triều Nguyễn. Ảnh: Đại Dương/Báo Lao Động

Bao quanh Kinh thành Huế có 10 cửa thành, trên các mặt thành cao 6m đều có xây các pháo đài, giác bảo, pháo nhãn, tường bắn, vọng lâu... để canh gác, phòng thủ. Ở chính giữa mặt Kinh thành phía trước có kỳ đài cao lớn, uy nghi.

Theo ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí, khi xây dựng Kinh thành, triều Nguyễn đã xây dựng ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc phía trên Thượng Thành 24 pháo đài. Mỗi pháo đài đều có dược khố (còn gọi là hỏa khố, hay hỏa dược khố) xây bằng gạch vồ, bên trong chứa đạn dược, diêm tiêu. Ngoài ra có nhiều pháo nhãn là nơi đặt súng đại bác để phòng thủ, hay là nơi lính hỏa mai trấn thủ.

Qua những biến thiên của thời gian, lịch sử, đặc biệt là sau khi triều Nguyễn kết thúc, rồi chiến tranh, binh lửa nhiều năm, Thượng Thành Huế dần trở nên hoang phế và trở thành nên cư ngụ của nhiều hộ gia đình, vì nhiều lý do phải quần cư về đây. Cây cối um tùm "ký sinh" và hủy hoại các pháo đài cổ quý giá trên Thượng Thành Huế.

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện chính sách di dân khỏi khu di tích Thượng Thành để tiến hành tu bổ, hướng đến phát triển du lịch. Hiện nay, Thượng Thành đã trở nên phong quang, thoáng đãng sau khi nhà cửa được giải tỏa, các vật kiến trúc, cây dại được dọn dẹp. Từ đó, nhiều công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn dần được phát lộ.

Tấm bia Tây Thành Đài và ngôi hỏa dược khố chứa súng đạn, diêm tiêu của vệ binh triều Nguyễn lộ ra sau khi giải tỏa nhà dân sống trên Thượng Thành. Ảnh: Đại Dương/Báo Lao Động

Tấm bia Tây Thành Đài và ngôi hỏa dược khố chứa súng đạn, diêm tiêu của vệ binh triều Nguyễn lộ ra sau khi giải tỏa nhà dân sống trên Thượng Thành. Ảnh: Đại Dương/Báo Lao Động

Chẳng hạn như ngôi hỏa dược khố tại Tây Thành Đài - một công trình hoành tráng và gần như nguyên vẹn. Hỏa dược khố này được xây bởi lớp gạch vồ gần 80cm, 2 cửa vòm ra vào cao gần 1m, rộng 60cm. Bên cạnh đó là tấm bia đá khắc chữ Hán “Tây Thành Đài” cũng lộ ra.

Bia Đông Trường Đài. Ảnh: Báo Tiền Phong

Bia Đông Trường Đài. Ảnh: Báo Tiền Phong

Tấm bia "Đông Trường Đài" đặt gần pháo đài cổ phía đông của Kinh thành Huế, cách cửa Đông Ba không xa, hiện vẫn vẹn nguyên đính vào mặt trong tường thành phía đông Kinh thành Huế. Chữ viết trên bia cổ vẫn còn sắc nét.

Quan Tượng đài, nơi đặt trạm đo thiên văn của triều Nguyễn xưa kia. Ảnh: Báo VnExpress

Quan Tượng Đài, nơi đặt trạm đo thiên văn của triều Nguyễn xưa kia. Ảnh: Báo VnExpress

Các hỏa dược khố ở pháo đài Tây Dực, pháo đài Nam Xương cũng lộ diện. Bên cạnh đó là hỏa dược khố cạnh Quan Tượng Đài cùng nhiều pháo nhãn ở nhiều đoạn tường thành xuất hiện rõ. Lớp tường thành 3 tầng bậc xưa là nhà dân chèn lấn nay cũng hiện nguyên hình… làm gợi nhớ về một quá khứ hào hùng về nền phòng thủ quân sự của triều Nguyễn.

Pháo đài Nam Thắng trở lại diện mạo như dưới triều Nguyễn sau khi được tu bổ. Ảnh: Báo VnExpress

Pháo đài Nam Thắng trở lại diện mạo như dưới triều Nguyễn sau khi được tu bổ. Ảnh: Báo VnExpress

Dù trải qua hàng trăm năm, với tác động mạnh mẽ của con người và thời gian, khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh... nhưng các kết cấu kiến trúc trên pháo đài xưa vẫn vững chãi. Thanh đá lớn len chèn phía dưới cửa đặt pháo (pháo nhãn, pháo môn) vẫn còn như mới. Những lỗ đục trên các khối đá ở các pháo nhãn vẫn nguyên vẹn... Tuy nhiên, vẫn có những khối đá đã bị nứt, hỏng do tác động của con người và bom đạn chiến tranh.

Ngày nay, Thượng Thành Huế nằm trong hệ thống Kinh thành Huế, là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

>> Pháo đài cổ trên núi đá khổng lồ giữa khu rừng rậm xanh mướt từng bị lãng quên, phải leo 1.200 bậc mới tới nơi

‘Pháo đài’ khổng lồ 4.000 năm tuổi được phát hiện giữa hoang mạc, bên trong là khu định cư rộng 1.100ha

Pháo đài cổ được ví như Angkor Wat trên cao nguyên 4.000m, được công nhận là di tích văn hóa trọng điểm quốc gia nhưng ít người biết tới

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-trinh-quan-su-hoanh-trang-tren-thuong-thanh-hue-duoc-trang-bi-hang-chuc-phao-dai-dai-bac-hon-200-nam-van-sung-sung-du-trai-qua-mua-bom-bao-dan-d114976.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công trình quân sự hoành tráng trên Thượng Thành Huế: Được trang bị hàng chục pháo đài, đại bác, hơn 200 năm vẫn sừng sững dù trải qua mưa bom bão đạn
    POWERED BY ONECMS & INTECH