Công trình quan trọng là 'đầu não' của tuyến Metro số 1 sắp hoàn thiện
Tòa nhà được ví như "đầu não" của toàn tuyến Metro số 1 đang tích cực triển khai, hướng đến hoàn thiện trong tháng tới.
Tòa nhà O&M (Operation and Maintenance) của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đóng vai trò trung tâm vận hành và bảo dưỡng của toàn bộ hệ thống. Được ví như "đầu não" của tuyến metro, tòa nhà này quản lý, điều phối hoạt động chạy tàu và bảo trì, xử lý các tình huống khẩn cấp trong suốt quá trình vận hành.
Tòa nhà O&M tọa lạc tại Depot Long Bình, TP. Thủ Đức, TP. HCM. Đây cũng là nơi đặt các nhà kho chứa tàu và khu vực sửa chữa, bảo trì thiết bị.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Đường sắt Đô thị TP. HCM (MAUR), hiện công trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện kiến trúc với mục tiêu hoàn thành vào tháng 11/2024, để đồng bộ vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố. Công trình được khởi công từ tháng 1/2023 với kế hoạch hoàn thành trong vòng 9 tháng. Tuy nhiên, do một số vướng mắc, việc xây dựng tòa nhà O&M đã bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu.
Tòa nhà O&M được xây dựng với quy mô 2 tầng, chủ yếu bằng kết cấu bê tông cốt thép, diện tích xây dựng khoảng 1.500m2 và tổng diện tích sử dụng lên đến 3.100m2.
>> 47 kịch bản từ thông thường đến khẩn cấp vận hành thử nghiệm metro số 1
Liên quan đến kế hoạch khai thác thương mại toàn tuyến, Ban Quản lý dự án Đường sắt Đô thị TP. HCM cho biết đã chỉ đạo các nhà thầu hoàn thiện việc lắp đặt và thử nghiệm các hạng mục cuối cùng. Đồng thời, chủ đầu tư cũng phối hợp với Công ty TNHH Đường sắt Đô thị số 1 (HURC1), đơn vị vận hành tuyến metro, để đảm bảo công tác vận hành và bảo trì sau khi tuyến chính thức đi vào hoạt động.
MAUR đã đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam sớm tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan, nhằm đánh giá an toàn hệ thống trước khi vận hành dự án.
Tính đến nay, tuyến Metro số 1 đã đạt khoảng 98% tổng khối lượng công trình. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được xây dựng tại TP. HCM, với tổng chiều dài 19,7km, bao gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư của dự án sau khi điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Lộ trình tuyến đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP. HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
>> Chủ tịch TP. HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu đường sắt đô thị thay vì gửi ngân hàng
Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cung cấp ODA cho dự án đường sắt tốc độ cao
Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ cần sử dụng 10.827ha đất