Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này từng là nhân sự tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp từ năm 1995.
CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (Mã DIC - UpCOM) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với việc không ghi nhận doanh thu trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt gần 520 tỷ đồng.
Trước đó trong quý 1 năm nay, Thương mại DIC cũng ghi nhận tình trạng tương tự và sang đến quý 2 thì báo doanh thu gần 120 triệu đồng. Đây cũng chính là mức tổng doanh thu của công ty sau 3 quý năm 2022 trong khi cùng kỳ thu về tới 1.312 tỷ.
Trong quý, dù doanh thu bằng 0 song giá vốn bán hàng vẫn ghi nhận mức gần 3,1 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp trong khi quý 3/2021 lãi gộp gần 62 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của DIC gần như bốc hơi toàn bộ so với quý 3 năm ngoái trong khi chi phí tài chính tăng lên mức 14,8 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng giảm tới 97% còn 0,85 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm tới 76% YoY còn 4,4 tỷ.
Sau cùng, công ty báo lỗ trước và sau thuế cùng mức 23,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 1,6 tỷ. Tạm tính, đây đã là quý lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ mức lỗ 25,8 tỷ đồng hồi quý 4/2021.
Lũy kế 9 tháng, DIC lỗ ròng gần 69 tỷ đồng - gấp 4,2 lần mức lỗ 16,4 tỷ trong cùng thời điểm năm 2021.
Nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện và quý 4 không thể lãi đột biến, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ tái lỗ sau năm 2021 ghi nhận mức lãi (chưa kiểm toán) gần 80 triệu đồng.
Trên bảng cân đối kế toán đến cuối tháng 9/2022, Thương mại DIC đang có tổng tài sản ghi nhận ở mức 1.151 tỷ đồng - giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong số này, lượng tiền mặt và tương đương chỉ ở mức hơn 1,2 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng vẫn không biến động nhiều so với đầu năm - ở mức 770 tỷ đồng.
Nợ phải trả của DIC tăng lên gần 1.130 tỷ - gấp tới 49,5 lần quy mô vốn chủ sở hữu (chỉ 22,8 tỷ). Trong cơ cấu nợ, các khoản vay nợ tài chính chiếm tới 66% với 746 tỷ đồng Các khoản vay tài chính lớn khiến công ty vẫn chịu hàng chục tỷ đồng chi phí lãi vay hàng quý (lũy kế từ đầu năm là 44 tỷ).
Hiện Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Sài Gòn vẫn là chủ nợ lớn nhất của DIC với khoản cho vay 580 tỷ đồng.
Nguồn báo cáo tài chính quý 3/2022 của Thương mại DIC
Tại thời điểm ngày 30/9/2022, DIC đang lỗ lũy kế gần 247 tỷ đồng. Chính khoản lỗ này khiến vốn chủ sở hữu của công ty liên tục giảm mạnh từ đầu năm và có nguy cơ âm vốn chủ nếu doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ trong các quý tới.
CTCP Đầu tư và Thương mại DIC là doanh nghiệp vật liệu xây dựng tổng hợp hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp, cung cấp vật liệu xây dựng và khai thác chế biến khoáng sản. Quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp là 260 tỷ đồng. Thương mại DIC được thành lập năm 2003 tiền thân là công ty đầu tư và xây dựng Vũng Tàu.
Năm 2003, chuyển chi nhánh văn phòng Công ty Đầu tư Xây dựng và Du lịch Vũng Tàu thành Công ty DIC Đầu tư & Thương mại và là Công ty con 100% vốn nhà nước do công ty mẹ – Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đầu tư vốn.
Năm 2004, DIC thực hiện cổ phần hoá và đến ngày 9/12/2004, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra quyết định chuyển công ty từ doanh nghiệp nhà nước thành CTCP Đầu tư & Thương mại DIC.
Thương mại DIC bắt đầu niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán DIC ngày 28/12/2006. Năm 2020, DIC bất ngờ báo lỗ lần đầu với mức lỗ sau kiểm toán hơn 121 tỷ đồng. Đến ngày 10/8/2020, cổ phiếu DIC chính thức bị hủy niêm yết trên HOSE sau 15 năm giao dịch trên sàn này.
Tình hình kinh doanh kém sắc trong 3 năm trở lại đây khiến báo cáo cáo tài chính của công ty thường xuyên ghi nhận các vấn đề ngoại trừ hoặc từ chối nêu ý kiến của đơn vị kiểm toán. Thêm vào đó, cổ phiếu DIC sau khi về giao dịch tại sàn UPCoM ngày 18/8/2020 đã ngay lập tức bị đưa vào diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch do công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng hủy niêm yết trên HOSE.
Kết phiên 4/11/2022, cổ phiếu DIC giảm sàn về mức 1.400 đồng thị giá - giảm 78% so với mức 6.400 đồng tại thời điểm đầu năm.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của công ty, DIC Corp - doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn - cá nhân vừa bị công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu - đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu DIC (tỷ lệ 15% vốn).
Lãnh đạo của Thương mại DIC hiện tại là ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch HĐQT được bổ nhiệm ngày 20/10/2020.
Được biết ông Hải từng là nhân sự tại DIC Corp từ năm 1995. Năm 2003, theo quyết định của Bộ Xây dựng về việc thành lập Công ty DIC Đầu tư & Thương mại trực thuộc Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng, ông Hải đã trở thành một trong những cán bộ chủ chốt và tiên phong của công ty con.
Đến năm 2005, sau khi chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, ông Hải đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Đầu tư và Thương mại DIC (tháng 8/2005).
Cá nhân vị Chủ tịch này hiện cũng đang sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu DIC - tương đương 4,6% vốn công ty.
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán
Xi măng Công Thanh: Nợ 7.300 tỷ đồng - tiền mặt chỉ còn 1,5 tỷ, vốn chủ âm nặng vì lỗ lũy kế