Đề xuất sử dụng 564ha ‘đất vàng’ Thủ Thiêm làm trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho TP. HCM và cả nước.
Chiều 28/3, Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP. HCM tổ chức Hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được khẳng định, việc Trung ương lựa chọn thành phố làm nơi xây dựng trung tâm tài chính là một vinh dự lớn, đồng thời là cơ hội để thu hút dòng vốn quy mô lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, TP. HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thể hiện qua 4 lợi thế nổi bật.
Cụ thể, thứ nhất, thành phố sở hữu nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng với quốc tế, đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Thứ hai, là trung tâm thương mại và dịch vụ tài chính lớn nhất cả nước, TP. HCM có hệ thống hạ tầng tài chính hiện đại. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư lớn. Thành phố đã hình thành những nền tảng cơ bản cho một thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán số và ứng dụng công nghệ tài chính (fintech).
Thứ ba, TP. HCM có vị trí địa chiến lược quan trọng, kết nối thuận lợi với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Thượng Hải và Tokyo.
Thứ tư, là quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh, thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các rào cản pháp lý và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho TP. HCM và cả nước. Dự án không chỉ tạo động lực phát triển cho các đô thị lân cận và khu vực, mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý đô thị, thúc đẩy phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác quốc tế.
Ở diễn biến khác, theo thông tin từ Báo Thanh Niên, sau quá trình khảo sát thực địa, tiếp nhận góp ý từ các cơ quan liên quan và nghiên cứu mô hình trung tâm tài chính toàn cầu, Sở Tài chính TP. HCM đã đề xuất hai phương án quy hoạch.
Phương án 1, trung tâm tài chính sẽ được bố trí tại một phần khu lõi trung tâm thương mại - tài chính (CBD) (Phân khu 1) và một phần quận 1 thuộc khu vực lân cận lõi trung tâm (Phân khu 5) của khu trung tâm hiện hữu.
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính sẽ bao gồm phần lớn khu lõi trung tâm (CBD), các khu chức năng số 1, 2a, 2b và 2c. Tổng diện tích quy hoạch khoảng 340ha.
Sở Tài chính đánh giá, phương án này có ưu điểm là phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời thống nhất với đề án đã được Bộ Chính trị thông qua. Quy mô 340ha cũng tương đương với nhiều trung tâm tài chính quốc tế và có thể huy động nguồn lực đầu tư ngay. Tuy nhiên, hạn chế chính là quỹ đất hạn hẹp, khó đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn.

Đối với phương án 2, tương tự phương án 1 tại khu vực quận 1, song tại Thủ Thiêm, trung tâm tài chính sẽ mở rộng ra toàn bộ các phân khu chức năng (trừ phân khu 8) với diện tích khoảng 564ha. Phương án này nâng tổng diện tích quy hoạch lên khoảng 687ha.
Với quy mô lớn hơn, phương án 2 được đánh giá có dư địa phát triển rộng, đáp ứng các tiêu chí xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế toàn diện với đầy đủ dịch vụ phụ trợ.
Dù vậy, điểm trừ của phương án này là chưa tương đồng với quy mô đã được triển khai thành công tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, trong khi việc huy động vốn đầu tư hoàn thiện trong thời gian ngắn sẽ gặp nhiều khó khăn do tổng vốn lớn.
So sánh hai phương án, sự khác biệt chủ yếu nằm ở quy mô diện tích, còn các nội dung khác cơ bản tương đồng.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính kiến nghị lựa chọn phương án 2 để phát triển không gian trung tâm tài chính TP. HCM. Kiến nghị này được cho là phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị và các quy hoạch đã được phê duyệt từ Trung ương đến địa phương.
Theo tài liệu công bố ngày 3/1, Việt Nam dự kiến thành lập một trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và một trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng. Phạm vi địa lý cụ thể của các trung tâm này sẽ do chính quyền địa phương đề xuất. Đề xuất hiện đã được công khai để lấy ý kiến trong thời gian qua.
AEON Việt Nam đạt được điều kiện tiên quyết để xây dựng trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh Hải Dương