Điểm đến

Cột cờ ở độ cao gần 1.500m được lưu truyền là nơi rồng ở, nằm trên ngọn núi thiêng nơi địa đầu Tổ quốc

Quỳnh Như 22/11/2023 - 08:53

Nơi đây không chỉ là điểm tham quan khám phá mà còn là niềm tự hào của dân tộc, là nơi đánh dấu lãnh thổ Việt Nam linh thiêng.

Cột cờ nơi rồng cư trú

Cột cờ quốc gia Lũng Cú là nơi đánh dấu cột mốc ở cực Bắc Tổ Quốc. Đồng thời Lũng Cú cũng là tên gọi của một xã nhỏ thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang. Cột cờ nằm ngay trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) cao 1.470m so với mực nước biển.

Đồng bào Lô Lô gọi Lũng Cú là Long Cư - nơi rồng ở và còn lưu truyền câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.

huong-dan-duong-chinh-phuc-cot-co-lung-cu-tu-trung-tam-ha-giang-02-1644125481

Cột cờ quốc gia Lũng Cú đặt nền móng xây dựng đầu tiên vào đời vua Lý Thường Kiệt. Ban đầu nơi đây được làm từ cây sa mộc. Sau đó cột đã được xây lại vào thời Pháp thuộc (1887). Sau đó vào các năm 1992, 2000, 2002 thì cột cờ liên tiếp được tu sửa quy mô, kích thước lớn hơn. Đặc biệt trong năm 2002, nơi đây đã xây cột cờ với độ cao 20m, phần chân, bệ cột thiết kế hình lục lăng. Chân cột có tổng 6 phù điêu hình trống đồng. Ở đỉnh cột đặt một lá cờ khổng lồ dài 9m, rộng 6m, diện tích 54m2. Điều này cũng là tượng trưng cho 54 dân tộc của Việt Nam.

Vào ngày 8/3/2010, cột cờ Lũng Cú Hà Giang chính thức được nâng cấp, ngày 2/9/2019 thì hoàn thành. Tổng chiều cao cột là 33.15m. Phần chân cột có chiều cao 20,25m, đường kính 3,8m. Cột cờ được thiết kế theo hình bát giác. Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa gợi nhớ tiếng trống của vua Quang Trung khi xưa, để con cháu ngàn đời sau ghi nhớ công ơn dựng nước của ông cha ta.

5.

Nhìn từ dưới lên, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trong gió đầy kiêu hãnh. Vừa là di tích lịch sử, vừa là điểm cực Bắc Tổ quốc linh thiêng, hùng vĩ, nên nhiều năm qua, di tích Cột cờ Lũng Cú luôn là một điểm đến yêu thích của hàng vạn du khách gần xa.

Đường lên Cột cờ quốc gia Lũng Cú được xây dựng với tổng số 839 bậc thang, chia làm 3 chặng. Chặng đầu tiên 425 bậc, kéo dài từ chân núi lên vị trí nhà chờ. Chặng thứ 2 gồm 279 bậc, từ vị trí nhà chờ lên đến chân cột cờ và chặng thứ ba là 135 bậc nằm trong lòng cột cờ.

bậc thang cột cờ lũng cú

Càng lên cao, cảnh đẹp của Lũng Cú càng trở nên huyền ảo. Từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể thỏa thê ngắm nhìn núi non trùng điệp, hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc, không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ của vùng đất này. Xen lẫn cảnh đẹp kỳ vĩ ấy, là những nếp nhà trình tường, những mái ngói âm dương cổ kính bảng lảng làn khói lam chiều từ bản Lô Lô Chải, bản người dân tộc Mông dưới chân cột cờ, để rồi cảm nhận sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người nơi miền biên ải.

Từ chân cột cờ, men theo những bậc thang hình xoắn ốc, để leo lên đỉnh cột cờ. Và rồi, cái cảm giác thoát ra từ không gian nhỏ hẹp, mờ tối để bước ra giữa khoảng trời bừng sáng, cao ngất trên đỉnh cực Bắc, được ngắm nhìn lá cờ linh thiêng tung bay phần phật, kiêu hãnh trong nắng, gió vùng biên ải, được chạm tay vào lá cờ đỏ thắm khiến du khách tràn ngập xúc động và cũng rất đỗi tự hào.

Nên tới Lũng Cú vào tháng mấy?

Lũng Cú có khí hậu núi cao, mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, du lịch Lũng Cú nên lên kế hoạch vào khoảng tháng 9 - tháng 11 hoặc từ tháng 3 - tháng 5. Những tháng này, thời tiết ở Hà Giang khá thuận lợi, không quá nắng hoặc mưa, cho phép bạn trải nghiệm các hoạt động tham quan một cách thoải mái.

Thời điểm này, khi thời tiết khô ráo và trong veo, không mưa nhiều như các tháng khác. Khung cảnh của vùng đất đá vôi trắng và bạt ngàn sương mù kết hợp với không khí lạnh giá tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, rất thu hút du khách đến tham quan và khám phá.

huong-dan-duong-chinh-phuc-cot-co-lung-cu-tu-trung-tam-ha-giang-01-1644125480

Di chuyển đến cột cờ Lũng Cú như thế nào?

Cách di chuyển đến Lũng Cú

Để đến Lũng Cú, bạn có thể sử dụng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô hoặc xe khách.

Từ Hà Nội, bạn có thể di chuyển theo hướng Lào Cai hoặc Thái Nguyên để đến Hà Giang, rồi di chuyển tiếp theo đường QL4C để đến Lũng Cú. Điểm đến thường được khách du lịch lựa chọn là thị trấn Đồng Văn, sau đó tiếp tục đi xe máy hoặc thuê xe hơi để đến Lũng Cú.

Từ Hà Giang, bạn có thể đi đến Lũng Cú thông qua các tuyến đường Quản Bạ, Đồng Văn hoặc Mã Pì Lèng.

- Tuyến đường Quản Bạ dài khoảng 50km, chạy từ Hà Giang đến Quản Bạ, qua đèo cực kỳ ngoằn ngoèo. Từ Quản Bạ, bạn sẽ đi thêm khoảng 20km để đến Lũng Cú.

- Tuyến đường Đồng Văn dài khoảng 150km, cũng rất đẹp nhưng đường xá khó khăn hơn.

- Tuyến đường Mã Pì Lèng dài khoảng 200km, đường đèo cao và khó đi, tuy nhiên cảnh quan nơi đây lại rất đẹp.

Đường đi đến Lũng Cú khá gập ghềnh, nhiều khúc cua nên tài xế cần phải rất tinh ý và kinh nghiệm để vượt qua những dốc đèo đầy thách thức. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Lũng Cú khoảng 8-10 giờ.

Di chuyển ở Lũng Cú, Đồng Văn

Tại Đồng Văn và Lũng Cú, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ để khám phá các địa điểm du lịch xung quanh. Bạn có thể thuê xe máy tại các điểm du lịch hoặc ở khu vực thị trấn. Tuy nhiên, vì địa hình núi đồi hiểm trở, nên bạn nên thuê xe hơi có lái để đảm bảo an toàn. Nếu bạn muốn trải nghiệm hơn, hãy chọn đi bộ hoặc chèo thuyền trên sông Nho Quế để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất trời Hà Giang.

"Làng" 5 sao ở miền Bắc Việt Nam được cấp sổ đỏ vĩnh viễn, vị trí đắc địa 'lưng tựa Hàm Rồng, mắt hướng Mường Hoa' được UNESCO bảo tồn

Huyện đảo hơn 2.000 km2 duy nhất Việt Nam có cả sân bay, cao tốc và cảng biển

Nhà tù 12.000m2 của Việt Nam hơn 1 thế kỷ vẫn là địa điểm đáng sợ nhất Đông Nam Á

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cot-co-o-do-cao-gan-1500m-duoc-luu-truyen-la-noi-rong-o-nam-tren-ngon-nui-thieng-noi-dia-dau-to-quoc-d111808.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cột cờ ở độ cao gần 1.500m được lưu truyền là nơi rồng ở, nằm trên ngọn núi thiêng nơi địa đầu Tổ quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH