CPI tăng 4 tháng liên tiếp, Trung Quốc đã vượt qua nỗi lo giảm phát?
Chỉ số CPI của tháng 5 thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc nhưng vẫn phát đi tín hiệu tích cực giúp vơi bớt nỗi lo giảm phát.
Báo cáo được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay (12/6) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng 0,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tiếp tục dao động dưới mức mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra.
Trái với tình trạng lạm phát cao ở các nước phương Tây, CPI của Trung Quốc đã ở mức gần 0 suốt kể từ tháng 4 năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại giảm phát khi nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng tiêu dùng trì trệ - một dấu hiệu của quá trình phục hồi không đồng đều sau đại dịch.
Trong tháng 5, Chỉ số giá sản xuất (PPI) - đo lường chi phí hàng hóa khi rời khỏi nhà máy - tiếp tục giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, dù thấp hơn mức giảm của tháng 4 nhưng đã đánh dấu chuỗi giảm 20 tháng liên tiếp.
Ảnh minh họa |
Theo nhà kinh tế Lynn Song đang làm việc tại ING, mặc dù giá thịt lợn và trứng đang bắt đầu ổn định “một chút” theo từng tháng, giá thực phẩm ở Trung Quốc vẫn đang phải chịu áp lực giảm phát khá lớn.
Trong khi đó, giá một số dịch vụ công như vé tàu hay giá điện nước đang có xu hướng tăng trong bối cảnh nhiều địa phương gặp áp lực tài chính. Giá vé tàu cao tốc trên một số tuyến sẽ tăng khoảng 20% vào cuối tuần này và giá nước máy dự kiến sẽ tăng ở nhiều nơi trên cả nước.
Darius Tang, một lãnh đạo của Fitch Bohua, nhận định kỳ nghỉ lễ ngày 1/5 đã góp phần làm tăng chỉ số CPI trong tháng trước. Nhu cầu của khách du lịch đã hỗ trợ cả giá tiêu dùng và giá dịch vụ.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi về CPI trong những tháng tới “do nhu cầu nội địa không khởi sắc”.