Điểm đến

Cung điện nơi 'rồng bay lượn', được coi như trái tim của Hoàng thành Huế, nơi chứng kiến 13 đời vua triều Nguyễn lên ngôi

Quỳnh Như 11/12/2023 10:30

Đây là một trong những công trình kiến trúc có niên đại lâu nhất ở cố đô Huế.

Trong hàng chục cung điện ở khu vực Đại nội (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), điện Thái Hòa là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất và có vị trí trang trọng nhất. Điện Thái Hòa được coi là “trái tim” của Hoàng thành Huế không chỉ bởi vị trí hay kiến trúc, mà còn bởi nơi đây đặt ngai vàng của nhà vua - biểu tượng quyền lực của vương triều phong kiến.

Điện Thái Hòa là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên tại Hoàng thành Huế.

Điện Thái Hòa là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên tại Hoàng thành Huế.

Tên gọi “Thái Hòa” trong công trình kiến trúc cung điện cũng mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chữ “Thái” có ý nghĩa là sự to rộng, lớn lao, trong khi chữ “Hòa” ý chỉ sự hòa hợp giữa cương và nhu, giữa âm và dương, giữa người với người… Vì thế khi kết hợp lại có ý nghĩa là khi mọi thứ đều hòa hợp với nhau thì vạn vật giữa trời và đất đều tốt tươi, thịnh vượng. Cái tên này dường như muốn thể hiện mong muốn của các vị vua triều Nguyễn là đem lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Từ đó, “dân giàu nước mạnh” đưa vương triều ngày một thịnh vượng và vững mạnh hơn.

Điện Thái Hòa Huế lấy gốc từ Kinh Dịch với hàm ý rất sâu sắc, chỉ sự hòa hợp giữa âm và dương, người với người.

Điện Thái Hòa Huế lấy gốc từ Kinh Dịch với hàm ý rất sâu sắc, chỉ sự hòa hợp giữa âm và dương, người với người.

Điện Thái Hòa đã được các nhà quy hoạch và thiết kế thời Nguyễn tính toán, định vị ở trung tâm Hoàng thành Huế ngay từ khi xây dựng kinh thành Phú Xuân đầu thế kỷ XIX. Đây là một trong những công trình kiến trúc có niên đại lâu nhất ở cố đô Huế.

Kinh thành Huế được vua Gia Long - người sáng lập vương triều nhà Nguyễn cho khởi dựng năm 1805, kéo dài tới năm 1832 - dưới thời vua Minh Mạng mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, các hạng mục công trình kiến trúc ở kinh thành cũng như khu vực Hoàng thành được xây dựng qua nhiều đời vua sau đó. Riêng điện Thái Hòa có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng nên được xây dựng rất sớm, cùng thời gian khởi dựng kinh thành Huế.

>> Khám phá cống ngầm lớn nhất thế giới, nổi bật với ‘cung điện dưới lòng đất’ được nâng đỡ bởi 59 cột bê tông kiên cố, bất chấp siêu bão 3 ngày cũng không ngập

Đây là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất và có vị trí trang trọng nhất.

Đây là ngôi điện lớn nhất, đẹp nhất và có vị trí trang trọng nhất.

Năm Gia Long thứ 5 (1806), sau 4 năm làm vua, vua Gia Long mới chính thức lên ngôi sau khi điện Thái Hòa được hoàn thành. Từ đó cho tới triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn, điện Thái Hòa trở thành nơi đăng quang của các vị vua sau này và là nơi thiết triều, cử hành các nghi lễ như lễ Đăng quang (lên ngôi), lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), lễ Tứ tuần hoặc Ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), lễ Hưng quốc khánh niệm (Quốc khánh)... Ngoài ra, đây cũng là nơi thực hiện các nghi thức ngoại giao và đón tiếp sứ thần các nước. Có thể nói, mọi sự kiện quan trọng nhất của vương triều và đất nước đều bắt nguồn từ ngôi điện này.

Cung điện có kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” - một kiểu kiến trúc phổ biến thời Nguyễn, gồm tiền điện và chính điện nối liền với nhau, rộng 1.440m2, mặt tiền 7 gian 2 chái, hệ khung kết cấu được làm bằng gỗ và gạch. Mái lợp ngói hoàng lưu ly, chia làm 3 tầng, trong đó, phần mái giữa và tầng trên có một “cổ diêm” được chia thành nhiều ô hộc trang trí hình vẽ và thơ văn. Cứ một ô hình vẽ lại có một ô đề thơ theo lối trang trí “nhất thi nhất họa” độc đáo.

Phần mái điện được thiết kế kiểu “thiềm trùng điệp ốc” rất độc đáo.

Phần mái điện được thiết kế kiểu “thiềm trùng điệp ốc” rất độc đáo.

Hệ thống sườn nhà tại điện Thái Hòa chủ yếu được làm bằng gỗ lim. Tại đây có tới hơn 80 cái cột được sơn vẽ rồng thếp vàng vô cùng bắt mắt và tinh tế. Du khách khi tham quan tiền điện, dễ dàng nhận thấy ngay phần tấm biển sơn son thiếp vàng, nổi bật ở giữa là ba dòng chữ lớn “Thái Hòa Điện”. Bên cạnh đó còn có thêm các dòng chữ nhỏ ghi thêm thời gian xây dựng, làm lại cũng như các năm đại tu của công trình này.

Khu vực gian giữa chính điện có đặt ngai vua ba tầng bệ gỗ. Phía trên bệ còn có thêm bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc và được trang trí chín con rồng. Những chi tiết này đều được thếp màu vàng vô cùng rực rỡ. Phần trần được treo lồng đèn và trang trí thơ văn, những hình ảnh bên trong công trình này đều được cách điệu vô cùng đẹp mắt và thu hút.

>> Việt Nam có miền đất "cố đô mỹ lệ trầm tư" lọt top điểm đến không thể bỏ lỡ năm 2024

Phần chính giữa điện là ngai vàng được thếp vàng rất lộng lẫy.

Phần chính giữa điện là ngai vàng được thếp vàng rất lộng lẫy.

Phía trước điện Thái Hòa là sân Đại triều nghi, nơi các quan đứng dự lễ Đại triều. Sân có 2 tầng, được lát đá Thanh, hai bên dựng 2 hàng "phẩm sơn" (bia đá nhỏ, trên có khắc thứ bậc của các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi bậc có 2 hạng: chánh và tòng).

Tại các buổi lễ, nhà vua sẽ ngự trên ngai vàng, chỉ có một số ít các hoàng thân được phép đứng chầu hai bên, còn tất cả các quan sẽ phải đứng trên sân Đại triều nghi theo đúng thứ bậc đã được ghi trên các tấm bia "phẩm sơn".

Phần sân chầu, nơi các đại thần đứng xếp hàng để làm lễ.

Phần sân chầu, nơi các đại thần đứng xếp hàng để làm lễ.

Điện Thái Hòa nằm trên trục thần đạo của kinh thành và Hoàng thành Huế, ngay phía sau Ngọ Môn. Từ Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng thành ở phía nam, qua cầu Trung Đạo bắc ngang hồ Thái Dịch và 3 cấp sân Đại Triều Nghi là tới điện Thái Hòa. Trong suốt hơn 200 năm tồn tại, công trình nhiều lần được trùng tu qua các triều vua nhưng vẫn bảo lưu được kiến trúc và hình thái, đặc biệt là kết cấu và nghệ thuật trang trí.

Ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo, điểm nổi bật của điện Thái Hòa là hình tượng rồng - biểu tượng của đấng quân vương và là chủ đề chính trong điện. Hình rồng xuất hiện ở nhiều nơi, với nhiều hình thức thể hiện như rồng chầu trên mái, bậc thềm, cột hay chạm khắc ở các cấu kiện gỗ và ngai vàng... Có thể nói, điện Thái Hòa là nơi rồng bay lượn, là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

>> Quốc gia nhỏ bé gần Việt Nam có cung điện dát vàng 200.000m2 với 1.788 phòng, vượt Buckingham ở Anh trở thành cung điện lớn nhất thế giới

Bí ẩn cây lim 'hiến thân' và cung điện dát vàng tại Lam Kinh

Độc đáo bể nước ngầm 80.000m3 đẹp như cung điện đã tồn tại suốt gần 1.500 năm dưới lòng thành phố cổ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cung-dien-noi-rong-bay-luon-duoc-coi-nhu-trai-tim-cua-hoang-thanh-hue-noi-chung-kien-13-doi-vua-trieu-nguyen-len-ngoi-d112796.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cung điện nơi 'rồng bay lượn', được coi như trái tim của Hoàng thành Huế, nơi chứng kiến 13 đời vua triều Nguyễn lên ngôi
    POWERED BY ONECMS & INTECH