Cung đường đèo hiểm trở với 7 tầng dốc uốn lượn ở miền Bắc: Chinh phục dân phượt bằng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ đẹp động lòng người
Bên cạnh những giá trị về địa chất, cung đèo này còn được xếp là di sản.
Đèo Mã Phục tọa lạc ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Đèo Mã Phục còn được gọi là đèo 7 tầng, bởi khi chinh phục đoạn đèo này du khách sẽ phải trải qua 7 tầng dốc, các con dốc uốn lượn lên xuống kéo dài khoảng 4km và cao khoảng 700m so với mặt nước biển. Đường đèo Mã Phục khá đẹp nhưng lại quanh co và gấp khúc, 1 bên là núi đá cheo leo, một bên vực sâu hoặc khe núi hẹp, chính vì vậy mà khi đi muốn chinh phục cung đường này hãy chắc rằng mình cứng tay lái hoặc có thể tìm cho mình một người bạn đồng hành đáng tin cậy.
Chạy trên cung đường đèo du khách sẽ được tận hưởng được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đồi núi nhấp nhô, phong cảnh nguyên sơ của núi rừng Đông Bắc và cũng không kém phần nên thơ bởi quang cảnh đồng xanh cỏ nội của những bản làng dưới thung lũng. Đặc biệt hơn đèo Mã Phục còn được xếp vào di sản địa chất của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng do UNESCO công nhận.
Ghé ngang qua cung đường đèo Mã Phục du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hai bên đường có hai khối đá vôi dựng đứng và châu đầu vào nhau như hai con ngựa đang nằm phục dưới đất, chính vì vậy mà đèo có tên gọi là Mã Phục. Nơi đây có khá nhiều truyền thuyết nói về tên gọi của đèo Mã Phục, một trong số đó gắn liền với huyền thoại người anh hùng dân tộc Nùng Chí Cao. Vào thế kỷ thứ 11, Nùng Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân chống lại nhà Tống ở phía Bắc, và chiếm được 1 phần lãnh thổ nhà Tống mà ngày nay gọi là Quảng Đông và Quảng Tây. Tuy nhiên xưng Vương được khoảng 3 năm thì Nùng Chí Cao đã bị tiêu diệt. Sau khi bị truy đuổi và bị thương, cả người cả ngựa đã nằm gục tại đèo Mã Phục, tên gọi gắn liền đến ngày nay của con đèo.
Khí hậu Cao Bằng chia làm 2 mùa khá rõ rệt, mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 còn mùa khô thì từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, còn nói đèo Mã Phục đẹp bất chấp mọi thời điểm thì cũng không hề quá bởi mỗi mùa, mỗi thời điểm nơi đây lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Vậy nên nếu muốn khám phá đèo Mã Phục thì du khách có thể đi vào tháng tháng 8 đến tháng 9, dịp này thời tiết tại đây ít mưa, nắng nhẹ, mát mẻ và thuận lợi cho việc di chuyển để tận hưởng cảnh đẹp. Vào mùa này thác đổ đầy nước cảnh quang cực kỳ mãn nhãn cho du khách, pha thêm chút sắc vàng của lúa chín sẽ làm du khách say đắm cảnh sắc nơi đây.
Tháng 11 và tháng 12 là mùa hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ nở rộ, như phủ kín núi rừng Đông Bắc tạo nên bức tranh đẹp không tưởng. Hay mọi người cùng có thể đến vào dịp cuối xuân đầu hạ, thời tiết không quá lạnh cũng chưa có nắng nóng, hoa mơ, hoa mận, hoa lê, say hoa trĩu cành cũng vô cùng bắt mắt.
Gần đèo Mã Phục có rất nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, vậy nên nếu có cơ hội chinh phục đèo nhất định hãy khám phá những nơi này:
Chợ phiên trên đỉnh đèo
Một điểm đặc biệt không thể bỏ lỡ khi khám phá đèo Mã Phục chính là ghé ngang chợ phiên trên đỉnh đèo. Vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 hằng tháng, những người dân tộc nơi đây như Nùng, Tày, Dao lại vượt đường đồi núi xa xôi gánh hàng để họp chợ. Một số đặc sản truyền thống là thịt bò, thịt trâu gác bếp, hay những đồ thổ cẩm… được nhiều khách tham quan yêu thích và mua làm quà và lưu niệm.
Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là địa điểm tham quan du lịch nổi bật của Cao Bằng. Thác Bản Giốc nằm trong danh sách 4 thác nước xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới. Thác nằm giữa biên giới Việt - Trung nên có 2 tên gọi. Nhìn từ chân thác thì sẽ thấy có 2 phần thác, bên trái (tạm gọi là thác phụ) và bên phải (tạm gọi là thác chính), thác phụ và 1 nữa bên trái của thác chính thuộc về chủ quyền Việt Nam, phần còn lại thuộc về Trung Quốc. Ở Việt Nam thác phụ có tên là thác Cao, thác chính là thác Thấp, nhưng cả hai gộp lại gọi là thác Bản Giốc.
Một trong những điểm đặc biệt của thác Bản Giốc chính là phần thác Thấp, bởi vì thác không đổ từ thẳng từ trên cao xuống mà đổ thành nhiều tầng như các bậc cầu thang. Chính vì vậy mà khi nhìn từ xa thác Bản Giốc như một dải lụa phát sáng giữa núi rừng Đông Bắc. Thác Bản Giốc hùng vĩ nhưng đầy thơ mộng tạo nên vẻ đẹp cuốn hút và lôi cuốn du khách, khiến ai đến sẽ không nở rời đi.
Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen được mệnh danh như tuyệt tình cốc ở Cao Bằng. Đây là hồ nước ngọt nằm cao hơn so với mặt nước biển đến 1000m. Giữa núi rừng trùng điệp lại hiện lên mặt hồ xanh thẳm như bức gương phản chiếu những vách núi đá cheo leo, những dãy rừng cây xanh thẳm tạo nên bức tranh thuỷ mặc vô cùng xinh đẹp.
Hồ Thang Hen bao gồm hệ thống gồm 36 hồ lớn nhỏ khác nhau, đến đây du khách có thể tham quan trên những chiếc thuyền trôi bồng bềnh trên mặt nước, có thể thăm thú từ hồ này sang hồ khác để tận hưởng non nước hùng vĩ và thả hồn mình vào vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên.
Núi Mắt Thần
Núi Mắt Thần còn được gọi là núi Thủng, đây là địa danh nằm trong quần thể du lịch của hồ Thang Hen thuộc công viên địa chất Núi Non của Cao Bằng. Ngọn núi sở hữu vẻ ngoài độc lạ bởi có một lỗ thủng xuyên qua cả hai mặt của ngọn núi, lỗ thủng cao khoảng 50m so với mặt hồ. Nếu du khách đến tham quan vào buổi sớm, lúc bình bình ló dạng phía đông, phía sau ngọn núi sẽ xuất hiện những tia nắng sáng rực rỡ chiếu qua mắt thần của ngọn núi, nhìn cứ ngỡ như một bông hoa nở rộ, như tô điểm thêm vẻ đẹp cho nơi đây.
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao nằm ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng và có lịch sử hình thành cách khoảng hơn 300 năm. Động sở hữu không gian rộng lớn và được thiên nhiên ban tặng hệ thống nhũ vô cùng độc đáo, nhũ mọc từ trên xuống và cả từ dưới lên, kích thước to nhỏ đan xen khác nhau tạo như một mê cùng kỳ bí huyền ảo.