Cuộc đua giữa Long Châu và VNVC, chinh phục thị trường tiêm chủng 2 tỷ USD
Hiện nay, thị trường vaccine Việt Nam chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa FPT Long Châu và VNVC khi cả hai đều đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mở rộng quy mô hoạt động.
Theo báo cáo từ Chứng khoán SSI, thị trường vaccine tại Việt Nam trong năm 2023 đạt quy mô lên tới 16.000 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 14% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này chủ yếu phản ánh giá trị của các vaccine trong chương trình tiêm chủng bắt buộc. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường vaccine tại Việt Nam được chia thành hai phân khúc chính: tiêm chủng bắt buộc (dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai) và tiêm chủng dịch vụ. Ước tính, tổng quy mô thị trường vaccine vào cuối năm 2023 đạt khoảng 55.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD), trong đó mảng tiêm chủng bắt buộc chiếm 15.000 tỷ đồng và tiêm chủng dịch vụ chiếm 40.000 tỷ đồng.
Chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra giả định rằng mỗi người trưởng thành có thể cần tiêm ít nhất 3 loại vaccine tùy chọn với mức giá 250.000 đồng/mũi. Nếu tỷ lệ bao phủ đạt 50% dân số, quy mô thị trường dịch vụ có thể lên tới 37.500 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Song, doanh thu từ các chuỗi tiêm chủng hiện đại vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thể thị trường.
Hiện, thị trường vaccine Việt Nam chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa hai ông lớn là Long Châu và VNV khi cả hai đều đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mở rộng quy mô hoạt động.
VNVC dự kiến khởi công nhà máy vaccine quy mô 2.000 tỷ đồng trong năm 2025
Sáng ngày 15/1, CTCP Vaccine Việt Nam (VNVC) chính thức ký kết hợp đồng thiết kế nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC với Tập đoàn Rieckermann (Đức). Để đáp ứng các yêu cầu cao từ phía VNVC, Rieckermann đã sử dụng tối ưu diện tích hơn 26.000m2 nhằm thiết kế một khu nhà máy phức hợp hiện đại gồm các khu vực sản xuất vaccine và sinh phẩm, tòa nhà nuôi và nghiên cứu trên động vật, các khu vực văn phòng tiện ích khác đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn: VNVC |
Trong đó, khu vực nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm phải đạt các tiêu chuẩn về GMP cao cấp của EU, FDA, PIC/S và WHO. Tòa nhà chuyên biệt nuôi động vật thí nghiệm để thực hiện các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng cho vaccine, sinh phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế GLP (thực hành tốt phòng kiểm nghiệm) và AAALAC (tiêu chuẩn đánh giá và công nhận chăm sóc động vật thí nghiệm quốc tế). Đây là những tiêu chuẩn cao cấp đảm bảo các tiêu chuẩn pháp lý và nhân đạo rất quan trọng của lĩnh vực này. Đặc biệt, toàn bộ nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy & Environmental Design). Đây là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt cho một công trình xây dựng xanh toàn diện, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tiến đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) theo xu hướng hiện đại của thế giới. Đây sẽ là nhà máy vaccine đầu tiên của Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn này, thực hiện mục tiêu cắt giảm tổng lượng khí thải nhà kính về 0 của Việt Nam đến năm 2050.
Phát biểu tại buổi ký kết, ông Jorge Domingo Guerra, Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Rieckermann, cho biết dự án nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC không chỉ minh chứng cho sự phát triển vượt trội trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng dược phẩm sinh học của Việt Nam, mà còn là một bước tiến trong việc giải quyết các thách thức sức khỏe toàn cầu. Ông Jorge Domingo Guerra cam kết Rieckermann sẽ cung cấp cho VNVC một thiết kế sáng tạo, đẳng cấp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế về mức độ an toàn, hiệu quả và tính bền vững lâu dài, đảm bảo sản xuất liên tục các loại vaccine và các sản phẩm sinh phẩm quan trọng theo các công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Được biết , nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC sẽ là một trong những nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất hiện đại gồm công nghệ đóng lọ, xilanh và bút tiêm. Đặc biệt, dây chuyền chiết rót và đóng gói dạng lọ, xilanh, bút tiêm theo công nghệ isolator là công nghệ sản xuất vô trùng hiện đại của thế giới, được VNVC đưa đầu tiên tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy VNVC sẽ hợp tác với các nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, tham gia từng bước các công đoạn trong quá trình sản xuất vaccine và sinh phẩm, tiến tới nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất độc lập.
Nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC dự kiến khởi công ngay trong năm 2025 (Nguồn: VNVC) |
Trước đó vào tháng 10/2024, VNVC đã bước đầu thỏa thuận hợp tác, hướng đến chuyển giao công nghệ, sản xuất một số vaccine của hãng dược phẩm hàng đầu thế giới Sanofi (Pháp) tại nhà máy của VNVC như vaccine cúm, vaccine 6 trong 1, giúp Việt Nam chủ động nguồn vaccine chất lượng cao cho trẻ em và người lớn, không chỉ phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Ngoài sản xuất vaccine, khu phức hợp nhà máy VNVC cũng chuẩn bị các hạ tầng hiện đại cho việc nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng vaccine, tạo điều kiện thuận lợi để quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới trong và ngoài nước đến làm việc.
>> Đối thủ của FPT Long Châu dự kiến khởi công nhà máy vaccine quy mô 2.000 tỷ đồng trong năm 2025
Long Châu – Tiên phong ứng dụng công nghệ AI trong tiêm chủng
Chuỗi tiêm chủng Long Châu, thuộc CTCP Dược phẩm FPT Long Châu (một công ty con của FPT Retail - FRT), hiện đang phát triển nhanh chóng và là một trong những chuỗi tiêm chủng có tốc độ mở rộng ấn tượng nhất. Với lợi thế từ mạng lưới hơn 1.700 cửa hàng bán lẻ dược phẩm hiện có, Long Châu không chỉ tận dụng sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ mà còn khai thác tệp khách hàng rộng lớn, với hơn 16 triệu người vào cuối năm 2023. Khoảng 80% các cơ sở tiêm chủng của Long Châu được triển khai theo mô hình shop-in-shop, tức là các điểm tiêm chủng được đặt bên trong các cửa hàng bán lẻ dược phẩm, giúp tối ưu hóa chi phí vận hành. 12% trung tâm tiêm chủng theo mô hình side-by-side, và 8% hoạt động độc lập.
Một trong những yếu tố nổi bật trong chiến lược phát triển của FPT Long Châu là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quy trình tiêm chủng. Tại Long Châu, 100% vaccine được bảo quản và giám sát liên tục 24/7 theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các thiết bị lưu trữ chuyên dụng, kết hợp công nghệ AI và Internet Vạn Vật (IoT), đảm bảo kiểm soát nhiệt độ chính xác, cảnh báo đa tầng và chế độ dự phòng tự động. Khi phát hiện nguy cơ vượt ngưỡng an toàn, hệ thống sẽ kích hoạt còi báo động và đèn khẩn cấp tại cơ sở, đồng thời gửi thông báo đến đội ngũ để xử lý kịp thời, bảo đảm chất lượng vaccine.
Dàn xe lạnh chuyên dụng vận chuyển vaccine của Long Châu đều được trang bị GPS và hệ thống theo dõi nhiệt độ tiên tiến, kết nối trực tiếp với phần mềm quản lý do FPT thiết kế riêng. Điều này giúp theo dõi hành trình vận chuyển, kiểm soát nhiệt độ liên tục và truy xuất dữ liệu chính xác đến từng lô vaccine. Với năng lực vượt trội trong công nghệ dữ liệu đám mây, đội ngũ Long Châu có thể giám sát chi tiết mọi khâu trong quy trình tiêm chủng, từ bảo quản đến vận chuyển, với khả năng phát hiện và xử lý vấn đề theo thời gian thực mà không cần phụ thuộc vào bên thứ ba.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, FPT Long Châu còn sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Công nghệ này giúp tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng hơn 90% nhu cầu của khách hàng. Long Châu cũng đầu tư mạnh vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng toàn diện, trong đó có dịch vụ "Sổ tiêm chủng điện tử", giúp người dùng dễ dàng theo dõi lịch tiêm, chủ động đặt lịch và nhận tư vấn trực tuyến. Sổ tiêm chủng điện tử không chỉ tự động cập nhật lịch sử tiêm mà còn gợi ý các mũi tiêm cần thiết cho từng thành viên trong gia đình, khắc phục những hạn chế của sổ tiêm giấy như quên lịch, mất sổ hay thiếu sót thông tin. Đây là một cải tiến đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tiêm chủng tại Việt Nam.
Chứng khoán Maybank đánh giá Long Châu đang sở hữu một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ nhờ vào sự kết hợp hoàn hảo giữa ba yếu tố: một danh mục thuốc theo toa phong phú phục vụ nhu cầu điều trị bệnh mãn tính, chính sách giá cả hợp lý và hiệu quả hoạt động tối ưu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là AI.