'Cuộc đua' miễn visa: Thái Lan đón 3,5 triệu lượt khách, Việt Nam vẫn chậm chân
Các đối thủ chính của du lịch Việt Nam thành công phần lớn nhờ vào chính sách visa linh hoạt và miễn thị thực cho nhiều quốc gia. Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn về thị thực trong cuộc đua đón khách nhà giàu.
Đối thủ thành công nhờ chính sách visa linh hoạt
Trong chỉ đạo mới nhất ngay sau Tết Nguyên đán, tại Chỉ thị 08 tại 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc tiếp tục cải thiện chính sách visa, đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương.
Trả lời PV.VietNamNet, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), nhận xét, miễn thị thực là xu hướng được nhiều quốc gia trong khu vực áp dụng. Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam đã thành công trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, phần lớn nhờ vào chính sách thị thực linh hoạt của họ và số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực nhiều hơn Việt Nam.
Cụ thể, Thái Lan đang miễn thị thực cho 76 quốc gia, Malaysia 156 quốc gia, Singapore 162 quốc gia và Philippines 157 quốc gia,... Còn Việt Nam mới dừng ở con số 25.
Trong đó, đối thủ của du lịch Việt Nam tại khu vực - Thái Lan - là quốc gia nhạy bén và có những quyết sách mạnh mẽ, linh hoạt nhất liên quan đến thị thực.
29/2 tới đây là ngày kết thúc chính sách miễn visa cho khách Trung Quốc trong vòng 5 tháng (từ 25/9/2023). Ngay sau đó, Thái Lan và Trung Quốc đã “bắt tay” miễn thị thực vĩnh viễn cho công dân hai nước từ tháng 3/2024. Tất cả du khách của hai quốc gia sẽ được nhập cảnh và lưu trú tối đa 30 ngày mà không cần thị thực.
Chính sách miễn trừ thị thực đã có đóng góp to lớn vào con số 28 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan năm 2023, vượt 3 triệu lượt so với mục tiêu; doanh thu lên đến gần 35 tỷ USD.
Ngay sau Trung Quốc, 4 cái tên mới nhất lọt vào danh sách quốc gia được Thái Lan miễn thị thực là Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Kazakhstan. Quốc gia này còn đang bàn tính tăng thời hạn lưu trú từ 30 lên 90 ngày cho khách đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách miễn thị thực.
Thái Lan cũng miễn visa cho tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khách Mỹ, Úc... - những thị trường khách nguồn lớn, chi trả cao.
Rõ ràng, đáp ứng xu thế cải thiện chính sách thị thực, tăng độ mở quốc tế sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn.
Tại Việt Nam, chính sách mới về thị thực và thị thực điện tử có hiệu lực từ 15/8/2023, qua đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ khi năm qua đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt, tháng 1/2024, con số này là hơn 1,5 triệu lượt, mức cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính đánh giá, mặc dù chính sách mới về thị thực đã tạo ra kết quả tích cực, nhưng để xin cấp thị thực điện tử, du khách vẫn mất thời gian truy cập trang web khai báo thông tin cá nhân và chờ đợi được phê duyệt. Trong khi, các yêu cầu khắt khe hoặc mất thời gian xin thị thực sẽ làm giảm sự sẵn lòng của khách du lịch đến thăm một quốc gia.
“Chính sách miễn thị thực tốt hơn góp phần mở rộng cánh cửa chào đón khách quốc tế đến quốc gia đó”, ông Chính nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo nghiên cứu của TAB về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Bắc Âu, khách từ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý đến Việt Nam tăng gần 20%. So với các nước ASEAN khác, tác động của việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam là tích cực hơn, tăng số lượng khách đến, doanh thu từ du lịch tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn phí visa.
Chưa đón được nhiều khách từ thị trường chi tiêu tỷ USD
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding, đề xuất, việc xem xét miễn thị thực cần ưu tiên các thị trường trọng điểm vô cùng tiềm năng như Australia, khi người dân chi tiêu rất nhiều, tới 4 tỷ USD mỗi năm cho du lịch; Canada với 33 tỷ USD hay Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ từ 21-26 tỷ USD,...
Không ít công ty lữ hành cũng cảm thấy tiếc nuối khi khách đến từ Thụy Sỹ, Bỉ, Luxembourg,... chưa được miễn visa khi du lịch Việt Nam.
Chung quan điểm, Chủ tịch Lux Group - ông Phạm Hà - bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét miễn thị thực với khách đến từ Mỹ, Australia và New Zealand. Ngoài ra, cần miễn visa cho công dân các nước châu Âu, từ đó thu hút nhiều hơn những vị "khách chất lượng" mà chúng ta mong mỏi đón được.
Tại Nghị quyết 82 của Chính phủ, Bộ Ngoại giao được giao chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan mở rộng danh sách miễn thị thực.
Trong đề xuất gửi Bộ Ngoại giao về danh sách các nước và vùng lãnh thổ được xem xét miễn thị thực hồi cuối năm 2023, ngoài 3 tiêu chí dựa trên Luật Xuất nhập cảnh, ông Hoàng Nhân Chính cho hay TAB đưa thêm 3 tiêu chí để thu hút và đa dạng hóa các thị trường du lịch.
Đó là có nhiều khách đến Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ; khách du lịch có khả năng hoặc tiềm năng chi tiêu cao; là nước hoặc khối các nước (như EU) được nhiều quốc gia miễn thị thực.
Trên cơ sở đó, ngoài 13 thị trường đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương, các chuyên gia đề xuất một danh sách gồm 33 quốc gia được xem xét miễn tiếp, trong đó có 20 nước còn lại thuộc EU, như Áo, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Séc, Ba Lan, Hungary, Rumani,... và 13 nước khác như: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, A Rập Xê út, Cô oét, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,...
Ngoài ra, đề xuất Chính phủ cân nhắc xem xét 4 thị trường du lịch có tiềm năng phát triển mạnh, gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Ấn Độ.
Trước đó, tháng 7/2023, EuroCham Việt Nam - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cũng gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch cho 27 quốc gia thành viên EU. Nếu được chấp thuận sẽ mang lại một lượng khách lớn, hơn 500 triệu dân đến từ EU- những người có nhu cầu chi tiêu cao khi đến Việt Nam.