Tài chính Ngân hàng

Đã đến lúc đánh thuế tài sản số và tiền số

Mạc Thùy 26/08/2024 10:19

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, vấn đề về tài sản số đã được đề cập, nhằm tạo khung khổ pháp lý cho một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ.

Giao dịch tiền số lên tới 120 tỷ USD

Tại tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung đã phác họa bức tranh về tài sản số hiện nay tại Việt Nam.

Theo đó, ông Trung cho biết, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD, đến năm 2023 tăng lên tới 120 tỷ USD.

Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số, tương ứng 21% dân số Việt Nam sở hữu, chỉ sau UAE và Hoa Kỳ.

Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7, trong khi đó, hai quốc gia nhỏ, sát với Việt Nam là Singapore và Thái Lan vươn lên đứng thứ 3 và thứ 5.

Đã đến lúc đánh thuế tài sản số và tiền số

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay nước ta chưa có khung pháp lý liên quan đến tài sản số, nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số.

Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì, cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ.

Đề cập đến việc xây dựng khung pháp lý để áp thuế tài sản số, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điểm cốt lõi trong dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đó là lần đầu tiên đưa ra quy định về tài sản số.

Trên thực tiễn, tài sản số, tiền ảo đã phát triển nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Do đó, thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Tuấn cho biết, mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, có thể coi tài sản số là một loại chứng khoán, có nước xem đây là một loại tài sản đặc biệt, có nước xem là một tài sản hỗn hợp, Việt Nam có thể tham khảo.

Theo ông Tuấn, hiện tại là phải ghi nhận, sau đó, định hình tài sản số, phân loại ra sao… sẽ tiến hành từng bước. Tiếp theo cần định hướng Việt Nam là điểm đến của doanh nghiệp, của nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số.

Nêu lỗ hổng quản lý thuế trong lĩnh vực này, đại diện VCCI cho rằng hiện có nhiều người sở hữu, thu nhập, thậm chí thu nhập rất lớn từ tài sản số nhưng không thu thuế được.

Về nguyên tắc, nhà nước có thể thu thuế giá trị gia tăng khi phát sinh giao dịch hay thu thuế từ thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp nhưng trước tiên phải định nghĩa được loại tài sản này.

Ngoài ra, nhiều vụ việc xảy ra, sàn giao dịch huy động tiền nhà đầu tư gặp sự cố, nhiều nhà đầu tư mất trắng hay không ít trường hợp xảy ra tranh chấp, chuyển nhượng tài sản ra sao thì hiện pháp luật chưa có cơ chế xử lý. Do đó, quyền và lợi ích người tham gia trong lĩnh vực này chưa được đảm bảo.

Cùng về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), băn khoăn khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý về thuế, dẫn đến thất thu trong những năm qua. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi công nghệ ngày càng phát triển.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nhiệm vụ xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để một mặt bảo đảm công tác quản lý nhà nước, một mặt thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.

>> Vụ đường dây tiền tiền ảo Cashback Pro: Công an tìm người có liên quan

Bitcoin và hàng loạt đồng tiền số lao dốc, vốn hóa bốc hơi 367 tỷ USD

Giá vàng, chứng khoán, USD, bitcoin cùng lao dốc: Điều lạ lùng nhất đang xảy ra

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/da-den-luc-danh-thue-tai-san-so-va-tien-so-246642.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đã đến lúc đánh thuế tài sản số và tiền số
POWERED BY ONECMS & INTECH