Xã hội

Đại gia kín tiếng Bắc Ninh chi trăm tỷ 'hồi hương' Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia chứa 5.000 hiện vật

Đại Dương 14/10/2024 - 16:16

Vị đại gia này có niềm đam mê đặc biệt với cổ vật và dành nhiều công sức cho việc sưu tầm.

Vào tháng 2 năm ngoái, thông tin Việt Nam mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Được biết, ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc đã có dấu ấn đặc biệt trong hành trình hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Đại gia kín tiếng Bắc Ninh chi trăm tỷ 'hồi hương' Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia chứa 5.000 hiện vật - ảnh 1

Cận cảnh ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Ảnh: Internet

Cụ thể, vị đại gia Bắc Ninh đã chi số tiền hơn 6,1 triệu euro (tương đương 165 tỷ đồng) để mua lại ấn vàng từ hãng đấu giá Millon (Pháp) dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.

Sau nhiều tháng đàm phán và tiến hành các thủ tục cần thiết, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam chiều 16/11/2023 theo giờ Pháp. Ông Nguyễn Thế Hồng cũng ký cam kết với Cục Di sản văn hóa sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan Nhà nước khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày ấn tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Chi phí chuyển giao bao gồm phí thuê luật sư đàm phán, phí mua ấn từ nhà đấu giá Millon, phí đưa ấn về nước.

Đại gia kín tiếng Bắc Ninh chi trăm tỷ 'hồi hương' Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia chứa 5.000 hiện vật - ảnh 2

Lễ chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Hiện tại, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ấn vàng quý hiếm này được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, nặng 10,78kg, cao 10,4cm, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm. Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế).

Theo quy định của triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xem xét, báo cáo Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận ấn vàng Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia.

"Thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng xây dựng hồ sơ hiện vật kim bảo Hoàng đế chi bảo đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024", báo cáo nêu.

Ông Nguyễn Thế Hồng là ai?

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Thế Hồng sinh năm 1961, được biết đến là một doanh nhân người Bắc Ninh kín tiếng với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Đáng chú ý, vị đại gia này có niềm đam mê đặc biệt với cổ vật và dành nhiều công sức cho việc sưu tầm.

Đại gia kín tiếng Bắc Ninh chi trăm tỷ 'hồi hương' Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia chứa 5.000 hiện vật - ảnh 3

Ông Nguyễn Thế Hồng là một doanh nhân đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Ông cũng là người thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình, cùng Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (hoạt động từ tháng 5/2022) với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tập, kinh doanh, trong đó có hoạt động môi giới, đấu giá.

Bảo tàng tư nhân Hoàng gia Nam Hồng của ông hiện sở hữu và lưu giữ khoảng 5.000 hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Các hiện vật được chia thành 6 bộ sưu tập (BST) gồm: BST đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; BST gốm, sứ Việt Nam qua các thời kỳ như thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn,...

Đại gia kín tiếng Bắc Ninh chi trăm tỷ 'hồi hương' Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia chứa 5.000 hiện vật - ảnh 4

Vợ chồng ông Hồng bên ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng

Ông Hồng cũng từng là Chủ tịch HĐTV và sở hữu 50% vốn điều lệ của Công ty TNHH Nam Hồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản thành lập từ năm 1998.

Vào tháng 5/2023, vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) của công ty này đã được chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Bích. Đồng thời, ông Hồng đã chấm dứt việc sở hữu cổ phần tại công ty.

Ngoài ra, vị đại gia Bắc Ninh cũng từng là đại diện pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn IGS Việt Nam - được giới thiệu là doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài song hiện đã ngừng hoạt động.

Ngày 19/12/2023, tại Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh lần thứ IV nhiệm kì 2023-2028, ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.

>> Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất dưới triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam được đề nghị công nhận là Bảo vật Quốc gia

Loạt doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ Bình Định: Người đàn ông quyền lực đứng sau bà Nguyễn Phương Hằng, bầu Đức, 'đại gia đi tu' Lê Phước Vũ

Chiêm ngưỡng hơn 500 cổ vật hiếm qua các thời kỳ 'Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố'

Theo Thị Trường Tài Chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/dai-gia-kin-tieng-bac-ninh-chi-tram-ty-hoi-huong-bao-an-vang-rong-lon-va-dep-nhat-trieu-nguyen-chu-nhan-bao-tang-hoang-gia-chua-5000-hien-vat-128140.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đại gia kín tiếng Bắc Ninh chi trăm tỷ 'hồi hương' Bảo ấn vàng ròng lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia chứa 5.000 hiện vật
POWERED BY ONECMS & INTECH