Sống

Đại gia Việt kín tiếng chi 6,1 triệu Euro mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ Pháp về Việt Nam, xây Bảo tàng Hoàng Gia chứa hơn 5.000 hiện vật

Song Linh 31/08/2023 00:06

Trước khi gây chú ý về việc bỏ số tiền lớn để mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông đã có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm. Ông là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc.

Tháng 2/2023, dư luận trong nước xôn xao trước thông tin Việt Nam mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Hợp đồng được ký vào ngày 12/1 theo giờ Pháp (ngày 13/1 theo giờ Việt Nam), trị giá hơn 6,1 triệu Euro.

Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu xác định, ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8-3-1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ông Nguyễn Thế Hồng chính là người đã ký hợp đồng thành công mua về ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ nhà đấu giá Millon (Pháp). Sau khi mua thành công, ông Hồng và các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết đang nỗ lực thực hiện các thủ tục nhập cảnh cổ vật khá phức tạp để đưa ấn vàng về nước sớm nhất, đúng pháp luật của hai nước Việt Nam và Pháp.

Tháng 3/2023, theo Công an nhân dân, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, tháng 4 và tháng 6/2023 là cột mốc quan trọng, có thể mang tính quyết định trong việc đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương thành công hay không. Đến nay, chưa có thêm thông tin được cập nhật.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Quốc ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng, là bảo vật truyền quốc được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại

Ông Nguyễn Thế Hồng là ai?

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Thế Hồng sinh năm 1961. Ông là một doanh nhân Bắc Ninh kín tiếng, đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở địa phương này. Trước khi gây chú ý về việc bỏ số tiền lớn để mua Ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông đã có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm. Ông là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc.

Đại gia Bắc Ninh kín tiếng
Ông Nguyễn Thế Hồng. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Ngay tại Bắc Ninh, ông là người thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình, cùng Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (hoạt động từ tháng 5/2022) với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tập, kinh doanh, trong đó có hoạt động môi giới, đấu giá.

Ông từng chia sẻ rằng Bảo tàng cổ vật này "rất lớn". Theo Báo Lao động, Bảo tàng tư nhân Hoàng gia Nam Hồng đang sở hữu và lưu giữ khoảng 5.000 hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Các hiện vật được chia thành 6 bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; bộ sưu tập gốm, sứ Việt Nam qua các thời kỳ như thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...

Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng này cũng đã từng được xướng tên trong số 3 đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Đại gia Bắc Ninh kín tiếng
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn cùng bộ sưu tập Trống đồng đang lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Ông Hồng từng chia sẻ: "Ngoài yếu tố mấu chốt về khả năng tài chính, niềm đam mê cháy bỏng, thì người chơi cổ vật rất cần có "duyên với đồ". Với những món đồ quý hiếm vào hàng “độc nhất vô nhị” để sở hữu được nó là cả một cơ duyên.

Mỗi đồ vật đều có linh hồn, thẩm thấu, kết tinh những tinh hoa văn hóa nhân loại. Người chơi, sưu tầm cổ vật là giữ gìn di sản văn hóa. Đam mê theo đuổi săn tìm cổ vật, tôi luôn tin vào những yếu tố tâm linh, khi mình kính vật, thì vật mới đến với mình. Mình muốn sở hữu các quý vật, thì phải luôn hành xử như một quý nhân bằng cách không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa, am tường lịch sử, địa lý...".

Đại gia Bắc Ninh kín tiếng
Khu trưng bày đồ Gốm trong Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Theo Báo Bắc Ninh, ngoài Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, gia đình ông đang ấp ủ dự định xây dựng một Khu du lịch văn hóa tại thành phố Từ Sơn để trưng bày triển lãm các cổ vật tiêu biểu của Việt Nam và thế giới phục vụ khách thăm quan trong và ngoài nước.

Qua tra cứu, ngoài bảo tàng Nam Hồng, trong lĩnh vực kinh doanh, ông Nguyễn Thế Hồng còn là đại diện pháp luật 2 công ty khác đặt tại Bắc Ninh là Công ty TNHH Nam Hồng (hoạt động từ năm 1998) và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam Rababeka (hoạt động từ năm 2008).

Trong đó Công ty Nam Hồng có lĩnh vực kinh doanh là khai thác đá, sỏi, đất sét, và sửa chữa máy móc, thiết bị, xây dựng công trình công ích... Trên địa bàn tỉnh, Nam Hồng đầu tư dự án Khu trung tâm thể thao, trường học, các công trình công cộng, khu đô thị tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Dự án Vườn Sen) có quy mô 19,6 ha, tổng vốn đầu tư 507,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Hồng còn từng là đại diện pháp luật CTCP Tập đoàn IGS Việt Nam - được giới thiệu là doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài song hiện đã ngừng hoạt động.

Thân thế công tử Việt tiêu hết 5 tấn vàng của cha mẹ, khét tiếng ăn chơi, sở hữu máy bay riêng chỉ để đi thăm ruộng lúa

Bà vú nhà 1 đại gia BĐS Sài thành nhận lương trăm triệu/tháng, diện đầy hàng hiệu đắt đỏ, cổ đeo Chanel, tay xách ​​Hermes

"Choáng ngợp" đại gia sống chung với 4 vợ, 14 con trong biệt thự hơn 300 tỷ đồng, được gọi là "vua cần cẩu"

Danh tính loạt đại gia Việt thích khoe núi tiền vàng, ăn chơi khét tiếng rồi "xộ khám": Có người để tiền tỷ trong cốp xe... tiêu vặt hàng ngày

Bài thuộc chủ đề Kiệt xuất Việt Nam
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-gia-viet-kin-tieng-chi-61-trieu-euro-mua-an-vang-hoang-de-chi-bao-tu-phap-ve-viet-nam-xay-bao-tang-hoang-gia-chua-hon-5000-hien-vat-198685.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đại gia Việt kín tiếng chi 6,1 triệu Euro mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ Pháp về Việt Nam, xây Bảo tàng Hoàng Gia chứa hơn 5.000 hiện vật
POWERED BY ONECMS & INTECH