Đại học hàng đầu Việt Nam bất ngờ lọt top 325 thế giới, tăng 456 bậc so với năm ngoái
Đại học Quốc gia Hà Nội xuất sắc vươn lên vị trí 325 thế giới, xếp hạng 51 châu Á và số 1 Việt Nam.
Ngày 10/12, tổ chức xếp hạng giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh đã công bố QS World University Rankings: Sustainability 2025, đánh giá 1.751 trường đại học trên toàn cầu.
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) ghi dấu ấn nổi bật khi vươn lên vị trí 325 thế giới, tăng 456 bậc so với thứ hạng 781-790 trong kỳ xếp hạng QS Sustainability 2024. Không chỉ dẫn đầu Việt Nam, ĐHQGHN còn nằm trong top 51 của khu vực châu Á, khẳng định vị thế tiên phong trong giáo dục bền vững.
Bên cạnh ĐHQGHN, Việt Nam có 9 cơ sở giáo dục đại học khác góp mặt trong bảng xếp hạng năm nay, gồm: Đại học Duy Tân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
ĐHQGHN ghi nhận sự cải thiện toàn diện ở tất cả các tiêu chí xếp hạng, từ giáo dục và nghiên cứu môi trường, bền vững môi trường, bình đẳng, sức khỏe và phúc lợi, đến kết quả đầu ra, chia sẻ tri thức và quản trị hiệu quả.
Theo QS, các đại học được đánh giá dựa trên ba tiêu chí chính: tác động môi trường, tác động xã hội và quản trị.
- Tác động môi trường: ĐHQGHN đạt 61.8/100 điểm, với giáo dục về môi trường xếp thứ 350 thế giới, nghiên cứu môi trường hạng 606, và bền vững môi trường đứng thứ 508.
- Tác động xã hội: Trường đạt 73.7/100 điểm, nổi bật với thứ hạng 189 toàn cầu trong chia sẻ kiến thức, tăng 264 bậc so với năm 2024. Các lĩnh vực khác gồm tuyển dụng và đầu ra (hạng 577), bình đẳng (hạng 340), sức khỏe và phúc lợi (hạng 496).
- Quản trị: Đây là thế mạnh lớn nhất của ĐHQGHN, đạt 88.1/100 điểm và xếp hạng 204 thế giới.
Trong kỳ xếp hạng QS Asia University Rankings (AUR) 2024, ĐHQGHN tiếp tục ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Uy tín tuyển dụng tăng mạnh, đưa trường lên vị trí 131 châu Á với 34.2 điểm. Trường cũng duy trì ưu thế về mạng lưới nghiên cứu quốc tế (xếp hạng 89 với 71.9 điểm) và uy tín học thuật (hạng 147 với 27.7 điểm).
Những kết quả này không chỉ khẳng định chất lượng giáo dục và nghiên cứu của ĐHQGHN mà còn mở ra cơ hội lớn để trường hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.