Thương hiệu ô tô điện mới được chuyển giao công nghệ sản xuất từ Đức sẽ đặt nhà máy ở Thái Bình, tập trung bán ra thị trường các mẫu xe cỡ nhỏ dành cho đô thị.
Sáng 28/6, CTCP Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và Roding Mobility đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ ở Việt Nam.
Cụ thể, Roding Mobility sẽ tư vấn kỹ thuật, giám sát triển khai toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế, thử nghiệm đến sản xuất hoàn chỉnh và chuyển giao công nghệ cho Thái Hưng.
Thái Hưng sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ Roding Mobility, sản xuất thương mại các mẫu xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ, phân phối cho thị trường Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Roding Mobility là công ty đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật và thiết kế sản xuất các mẫu ô tô mới tại châu Âu và Mỹ. Đặc biệt, công ty đã cung cấp các nền tảng khung gầm cho các dòng ô tô điện của nhiều hãng xe khởi nghiệp và các tập đoàn lớn, trong đó có BMW.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) do Thái Hưng làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt lần đầu ngày 8/1/2020 và điều chỉnh ngày 30/12/2022 với mục tiêu gia công, lắp ráp và sản xuất xe điện 2 bánh, 3 bánh và ô tô điện. Tổng công suất toàn dự án là 15.000 xe/năm, trong đó, riêng ô tô điện có quy mô công suất thiết kế là 5.000 xe/năm.
Theo kế hoạch, nhà máy Thái Hưng sẽ hoạt động vào quý 4/2023 và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2024. Bước đầu, hai bên sẽ phát triển ô tô điện mini (city car - xe điện nội đô chỉ đi trong đô thị) theo tiêu chuẩn L7e của châu Âu. Sản lượng dự kiến trong ba năm đầu là 6.000 xe. Sau đó, công ty sẽ sản xuất và giới thiệu thêm 2 mẫu xe điện phân khúc A.
Ông Franz Ferdinand Heindlmeier, Giám đốc điều hành (CEO) công ty Roding Mobility đánh giá cao tiềm năng phát triển ô tô điện tại Việt Nam, nhất là ô tô điện cỡ nhỏ và cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp hợp tác và đầu tư ô tô điện tại Việt Nam. Ông cũng rất kỳ vọng vào việc hợp tác với đối tác Việt Nam nhưng cũng lưu ý, một start up xe điện sẽ luôn có khó khăn và thử thách nhất định.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ghi nhận: “Việc Thái Hưng và Roding ký kết thoả thuận hợp tác hôm nay trong lĩnh vực xe điện là một tín hiệu tích cực cho môi trường thu hút đầu tư của tỉnh”.
Thái Bình Hưng Thịnh tiền thân là công ty gia công cơ khí xuất khẩu, được thành lập từ năm 2006. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, nhà sáng lập công ty là ông Trần Minh Thao (sinh năm 1984). Tháng 9/2019, công ty tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 100 tỷ đồng.
Năm 2020, công ty tái cơ cấu ngành nghề và trở thành một công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô điện thông qua Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Các loại xe điện công ty đang kinh doanh bao gồm xe golf, xe thăm quan, xe nội khu (của WulingEV), xe chuyên dụng (xe tuần tra, xe bệnh viện, xe sân bay), xe chở hàng, xe bán hàng lưu động,...
Theo giới thiệu trên website công ty, năng lực sản xuất lắp ráp của nhà máy cơ điện Thái Hưng hiện nay là 10.000 xe điện/năm, Thái Hưng đã bắt đầu sản xuất lắp ráp các loại xe điện hạn chế giao thông, đang xúc tiến hoàn thiện xưởng sản xuất lắp ráp xe ô tô điện cỡ nhỏ, toàn bộ nhà máy dự kiến được khánh thành đi vào hoạt động vào quý 4/2023.
Như vậy, với sự gia nhập của Thái Hưng, thị trường ô tô điện cỡ nhỏ ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, sôi động. Đặc biệt trong bối cảnh mẫu ô tô điện Wuling của Trung Quốc sẽ chính thức ra mắt vào ngày 29/6 cũng như mẫu xe VF 3 của Vinfast cũng sắp mở cổng đăng ký đặt mua vào tháng 9 năm nay.
VinFast ra mắt mẫu xe điện mini VF 3: Hiện thực hóa giấc mơ xe hơi của triệu gia đình