Thế giới 24h

Đàm phán với Mỹ bị hoãn, mức thuế 36% treo lơ lửng: Quốc gia Đông Nam Á lo ngại ngành xuất khẩu sụp đổ dây chuyền

Vũ Bấc 23/04/2025 10:52

Giữa lúc đàm phán thuế quan với Mỹ bị hoãn, Thái Lan phải đối mặt thêm thách thức khi xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh, đe dọa mục tiêu thương mại năm 2025 và gây áp lực lên ngành nông nghiệp vốn đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 22/4 cho biết các cuộc đàm phán với Mỹ liên quan đến thuế quan thương mại đã bị hoãn lại theo yêu cầu từ phía Washington nhằm có thêm thời gian xem xét một số vấn đề quan trọng.

Theo kế hoạch ban đầu, vòng đàm phán mới giữa hai bên dự kiến diễn ra vào ngày 23/4. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan hiện đang cùng phía Mỹ thống nhất lại thời gian tổ chức cuộc họp thay thế.

Đàm phán với Mỹ bị hoãn, mức thuế 36% treo lơ lửng: Quốc gia Đông Nam Á lo ngại ngành xuất khẩu sụp đổ dây chuyền - ảnh 1
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Chính phủ, ở Bangkok, Thái Lan, ngày 3/4/2025

“Chúng tôi không trì hoãn quá lâu. Thái Lan đang tích cực rà soát các nội dung liên quan, đặc biệt là các chính sách thuế quan, để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp,” Thủ tướng Paetongtarn phát biểu trong buổi họp báo. Bà cho biết thêm rằng chính phủ đang đánh giá lại toàn diện hoạt động xuất khẩu nông sản và khả năng tăng cường nhập khẩu nhằm cân đối lợi ích song phương.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các chính sách thuế được ban hành dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu không đạt được thỏa thuận giảm thuế trước khi lệnh hoãn thuế toàn cầu hiện tại hết hiệu lực vào tháng 7 năm nay, hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan có thể đối mặt với mức thuế lên tới 36%.

Thủ tướng Paetongtarn nhấn mạnh rằng chính phủ Thái Lan đang thực hiện các bước tham vấn với giới học giả, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và các bên liên quan để đảm bảo các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra trên cơ sở có lợi cho cả hai quốc gia.

“Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan trong năm ngoái, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 54,96 tỷ USD,” bà nói. Tuy nhiên, trong cùng năm, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại với Thái Lan lên tới 45,6 tỷ USD – một con số có thể tạo áp lực lớn trong các cuộc thương lượng sắp tới.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo vệ lợi ích nông nghiệp của đất nước ở mức cao nhất có thể", Thủ tướng Paetongtarn khẳng định. “Chính phủ Thái Lan tin rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải đảm bảo sự cân bằng và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên".

Đàm phán với Mỹ bị hoãn, mức thuế 36% treo lơ lửng: Quốc gia Đông Nam Á lo ngại ngành xuất khẩu sụp đổ dây chuyền - ảnh 3
Xuất khẩu gạo giảm mạnh, Thái Lan đối mặt thêm áp lực trong đàm phán thuế quan với Mỹ

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ được tạm hoãn, Thái Lan đang phải đối mặt với những thách thức mới khi xuất khẩu gạo – một trong những mặt hàng chiến lược – ghi nhận mức sụt giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, khối lượng gạo xuất khẩu của nước này đã giảm tới 30% trong quý I năm nay, và nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu 7,5 triệu tấn cho cả năm do tác động của các hàng rào thuế quan.

Năm 2024, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, trong năm ngoái, quốc gia này đã xuất khẩu tổng cộng 9,94 triệu tấn, thu về 225,65 tỷ baht. Mỹ là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ ba của Thái Lan tính theo khối lượng, cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ thương mại thuận lợi với Washington.

Tuy nhiên, mối lo không chỉ dừng ở ngành gạo. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan, Hoa Kỳ còn là điểm đến hàng đầu cho nhiều nhóm hàng chủ lực như linh kiện điện tử, cao su, máy móc và thực phẩm chế biến. Năm 2023, xuất khẩu thiết bị điện tử và viễn thông sang Mỹ đạt trên 6 tỷ USD, máy móc và cao su đều đạt trên 4 tỷ USD mỗi ngành. Nếu mức thuế mới được áp dụng, toàn bộ chuỗi cung ứng công nghiệp xuất khẩu của Thái Lan có thể bị gián đoạn nghiêm trọng. Một số chuyên gia cảnh báo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ – vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ – sẽ là những đối tượng chịu tổn thất nặng nề nhất.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira, người được dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong các vòng đàm phán sắp tới với Mỹ, cho biết dù cuộc họp cấp cao đã bị hoãn, các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp tục ở cấp độ làm việc.

“Hiện chưa có kế hoạch sớm đến Washington”, ông Pichai cho biết, đồng thời khẳng định chính phủ Thái Lan vẫn đang theo sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các đối tác phía Mỹ.

Sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là ở lĩnh vực nông sản, được đánh giá sẽ là yếu tố gây sức ép lên bàn đàm phán trong những tuần tới. Việc điều chỉnh chiến lược thương mại để vừa bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, vừa duy trì thị phần trên thị trường quốc tế đang trở thành một bài toán hóc búa đối với Bangkok.

Tham khảo Reuters

>> Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ

Nóng: Ông Trump bất ngờ dịu giọng, tuyên bố thuế quan với Trung Quốc 'sẽ giảm đáng kể'

Điểm tin sáng 23/4: Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt đàm phán với Mỹ, ông Trump áp thuế một mặt hàng nhập từ Việt Nam hơn 500%

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/dam-phan-voi-my-bi-hoan-muc-thue-36-treo-lo-lung-quoc-gia-dong-nam-a-lo-ngai-nganh-xuat-khau-sup-do-day-chuyen-141028.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đàm phán với Mỹ bị hoãn, mức thuế 36% treo lơ lửng: Quốc gia Đông Nam Á lo ngại ngành xuất khẩu sụp đổ dây chuyền
    POWERED BY ONECMS & INTECH