ĐBQH đề xuất mở thêm ga đường sắt tốc độ cao giữa Thanh Hóa và Nghệ An
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Thuận đề nghị Chính phủ nghiên cứu và mở thêm ga đường sắt giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An do nhu cầu đi lại đông, khoảng cách xa.
Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự án). Đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Quốc Thuận (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cũng bày tỏ ủng hộ việc chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng đề nghị cần tính toán để đảm bảo an toàn cho cả nền kinh tế, tránh quá chú trọng đến dự án này mà ảnh hưởng các mục tiêu phát triển kinh tế.
Đại biểu Trần Quốc Thuận. Ảnh: Gia Hân |
Ông Thuận cho biết hiện vẫn chưa quyết định sử dụng công nghệ nào cho dự án, nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
"Việc lựa chọn nhà thầu cần đảm bảo uy tín, có kinh nghiệm, nhưng đồng thời cũng phải tránh rơi vào bẫy nợ và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ của họ", ông Thuận nhấn mạnh. Ông bày tỏ mong muốn ký kết với đối tác theo hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ để vừa tích lũy kinh nghiệm vừa chủ động về công nghệ.
Phối cảnh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, ông Thuận cũng băn khoăn về tờ trình dự án tuyến đường sắt với 23 ga hành khách, trong đó khoảng cách giữa ga Vinh và ga Thanh Hóa lên tới khoảng 140km, được xem là quá xa.
Đại biểu Quốc hội đề xuất thêm nhà ga ở giữa 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ảnh minh họa |
"Đường sắt phục vụ chủ yếu cho vận tải hành khách, trong khi Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có dân số đông và nhu cầu đi lại cao" ông Thuận nhận xét.
"Do đó, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu mở thêm một ga giữa hai tỉnh, tại Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Với vị trí tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ga này có thể phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa" ông Thuận đề xuất.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.
Theo Tạp chí VnEconomy, trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD.
Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.
>> Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM sẽ hoàn thành trước năm 2027
Sẽ khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới vào cuối năm nay
Hé lộ vị trí dự kiến đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa