Đề xuất hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái quy định tại các Điều 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo dự thảo, nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái gồm: Dự kiến các ngành nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo quy hoạch phân khu xây dụng của khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Dự kiến mức phát thải cho các ngành nghề thực hiện cộng sinh công nghiệp;
Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu; Phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh;
Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và lộ trình thực hiện.
Nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nêu trên được giải trình tại Đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương trong đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được lập theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Cộng sinh công nghiệp và giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn
Dự thảo đề xuất, cộng sinh công nghiệp quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP bao gồm các mạng lưới hợp tác: Trao đổi chất thải (rắn, lỏng, khí) giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất;
Sử dụng chung hạ tầng phục vụ sản xuất trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp (không bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung của khu công nghiệp do nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cung cấp);
Sử dụng dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp.
Giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn gồm: Các giải pháp giảm chất thải tại nguồn: quản lý nội bộ doanh nghiệp và sử dụng các vật liệu thay thế; kiểm soát quy trình, thiết bị sản xuất; cải tiến, thay thế thiết bị, dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp để giảm tổn thất, giảm chất thải, giảm mức độ nguy hại của chất thải, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
Các giải pháp tuần hoàn: thu gom, xử lý, tái sử dụng các chất thải, phế liệu làm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp hoặc trao đổi giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp;
Các giải pháp cải thiện sản phẩm thông qua đổi mới sản phẩm, cải tiến bao bì, thiết kế nhằm giảm tác động đến môi trường.
Trong quá trình đánh giá doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp, áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tham khảo ý kiến của tổ chức, đơn vị chuyên môn trong nước đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ tư vấn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn hoặc tổ chức, đơn vị quốc tế có năng lực, chuyên môn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Lộ diện 5 tỉnh thành triển khai khu công nghiệp sinh thái (EIP)
Lộ diện loại hình bất động sản được kỳ vọng trở thành “vua” trong tương lai