Đề xuất thành lập liên minh giữa Việt Nam và Nhật Bản để 'tìm lại ánh hào quang' trong ngành bán dẫn
Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn có quy mô lớn trong khu vực, thu hút sự tham gia của NVIDIA, Qualcomm, Intel, Amkor…
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Công ty FPT Semiconductor, tổ chức Chương trình kết nối hợp tác bán dẫn Việt Nam - Nhật Bản.
Tại sự kiện diễn ra ngày 19/2, ông Taguchi Yoshinori, Giám đốc Ban Chính sách Thông tin, Hiệp hội Bán dẫn & Đổi mới Kỹ thuật số Kyushu (SIIQ), cho biết Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu đầy tham vọng trong Chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ 5.000 tỷ yên (33 tỷ USD) vào năm 2020 lên 15.000 tỷ yên (99 tỷ USD) vào năm 2030.
![]() |
Đoàn công tác tìm kiếm nhân lực bán dẫn của Nhật Bản làm việc với NIC và Tập đoàn FPT. (Ảnh: Đức Huy/vietnambiz.vn). |
Chia sẻ tại chương trình, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, nhấn mạnh rằng Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn có quy mô lớn trong khu vực, thu hút sự tham gia của nhiều "ông lớn" trong ngành như NVIDIA, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Qorvo, Ampere, Infineon, cùng hàng loạt doanh nghiệp công nghệ cao khác trong lĩnh vực điện tử.
Nhật Bản cũng đang đóng góp đáng kể cho ngành bán dẫn, điển hình là Renesas với trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới tại Việt Nam, quy tụ gần 1.500 kỹ sư. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước không chỉ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, mà còn góp phần củng cố vai trò của vùng Kyushu – được mệnh danh là "Đảo Silicon của Nhật Bản" – trong ngành công nghiệp chiến lược này.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc điều hành FPT Semiconductor, đề xuất sáng kiến thành lập hai liên minh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn.
Liên minh thứ nhất tập trung vào giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả hai quốc gia. Liên minh thứ hai hướng tới đảm bảo sự ổn định của chuỗi sản xuất, đồng thời từng bước phát triển công nghệ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực “tìm lại ánh hào quang” trong ngành công nghiệp bán dẫn, đưa vùng Kyushu – trung tâm điện tử và bán dẫn của đất nước – trở lại thời kỳ hoàng kim. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nhật Bản đã thu hút và đầu tư vào 108 dự án với tổng giá trị khoảng 31 tỷ USD, trong đó có hai nhà máy sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn TSMC – doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip.
Hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ ngành bán dẫn, đoàn "Tổ hợp liên danh phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Kyushu" – bao gồm Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu cùng các doanh nghiệp như Tera Probe, Nisso, World Intec, Viện Công nghệ Fukuoka, Viện Công nghệ Quốc gia (KOSEN) và Hiệp hội Bán dẫn & Đổi mới Kỹ thuật số Kyushu (SIIQ) – đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
>> Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như với Nvidia
Ông Trump sắp áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu, các ông lớn Nhật Bản gấp rút ứng phó
Tập đoàn 'bao trọn' chuối trồng tại Lào của bầu Đức: Là chủ hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản