Di tích được ví như Hoàng thành ở Tây Bắc sắp được chi hàng chục tỷ đồng tu bổ
Trải qua quá trình sử dụng lâu dài, đặc biệt là sau cơn bão số 3, một số hạng mục, công trình bị ảnh hưởng, hư hỏng cần được tu bổ, tôn tạo.
UBND tỉnh Yên Bái vừa ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên), với tổng vốn đầu tư gần 22 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là du lịch văn hóa - lịch sử khu vực Tây Bắc Bộ.
Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y là một quần thể kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng độc đáo, gồm nhiều công trình như núi Thần Áo Đen (Hắc Y), chùa tháp Hắc Y, chùa Dõng, đền Đại Cại, chùa Thượng Miện, chùa Bến Lăn, Ao Vua, Trường Đua... Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái, quần thể này trải dài ra các cánh đồng, thung lũng và các dãy núi với diện tích hơn 5km2.
Được phát hiện từ năm 1995, di tích Hắc Y nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ, chỉ cần đào sâu khoảng 50-200cm đã có thể tìm thấy các di vật có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện những hiện vật tương tự với các di vật tại Hoàng thành Thăng Long như gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc, cùng nhiều linh vật đất nung và đồ gốm sứ.
Theo đoán định của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, vùng đất này có thể là đại bản doanh hoặc trang ấp của thủ lĩnh được triều đình cử trấn giữ miền biên viễn phía Bắc, khi xây dựng bản doanh đã dựng chùa để Phật tử là binh lính và gia tộc có nơi hành đạo. Nơi đây cũng được ví như Hoàng thành của Yên Bái.
Năm 2001, quần thể này được công nhận là Di tích lịch sử - khảo cổ học cấp Quốc gia.
Dù mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, di tích Hắc Y từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai và thời gian. Gần đây nhất, hoàn lưu cơn bão số 3 từng khiến mực nước sông Chảy dâng cao, làm nhiều hạng mục công trình trong khu di tích bị hư hỏng. Do đó, dự án tu bổ và tôn tạo lần này không chỉ nhằm bảo tồn giá trị của di tích mà còn phục vụ phát triển du lịch bền vững, xây dựng sản phẩm văn hóa - lịch sử đặc trưng.