Thành phố lớn nhất Việt Nam sắp tôn tạo một Di tích Quốc gia trở thành công viên Văn hóa - lịch sử
Sau khi tôn tạo, di tích sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu vui chơi giải trí, tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn quận và toàn thành phố.
Nằm trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), di tích Gò Đống Thây là một địa danh lịch sử nổi tiếng, gắn liền với chiến công oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn trong thế kỷ XV.
Khu đất này xưa kia được dân gian gọi là “Gò Thất Tinh”, sau đổi thành “Gò Đống Thây” với ý nghĩa tượng trưng cho việc xác giặc chồng chất thành gò. Vùng đất này từng thuộc cánh đồng làng Cự Chính – Nhân Mục, một khu vực sình lầy, rậm rạp nằm ven sông Tô Lịch.
Theo sử sách, cuối năm 1426, trong các trận chiến giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy đã giành thắng lợi vang dội tại cầu Nhân Mục. Trận đánh này đã tiêu diệt một lực lượng lớn quân Minh, khiến xác giặc chất thành đống. Sự kiện lịch sử này được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Năm 1990, Gò Đống Thây được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 993/QĐ.
Theo báo cáo số 234/BC-SVHTT ngày 18/11/2024 của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Gò Đống Thây trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2001, UBND Thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng, tu bổ hạng mục Phương đình. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực tiếp quản lý di tích, thực hiện các công việc như xây dựng tường rào, cổng, nhà bảo vệ, dựng bia di tích và thành lập Tổ bảo vệ gồm 3 nhân viên để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải trong khu vực.
Năm 2003, biển Di tích đã được gắn tại Gò Đống Thây. Từ năm 2011, di tích này được UBND quận Thanh Xuân tiếp quản theo quyết định phân cấp của thành phố. Đến năm 2010, UBND quận Thanh Xuân tiếp tục được giao làm chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của địa danh này.
UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, với mục tiêu biến nơi đây thành Công viên Văn hóa Lịch sử, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Theo kế hoạch, công viên sẽ được tu bổ với các hạng mục chính, bao gồm tu bổ gò số 1 và gò số 3; xây dựng mới miếu thờ và bổ sung bia, biển tại gò số 2; xây dựng các công trình mới như nhà quản lý và trưng bày (5 gian), cùng 4 gò mô phỏng.
Ngoài ra, các hạng mục phụ trợ của công viên sẽ bao gồm cổng chính, cổng phụ, khu để xe, sân lễ, sân khấu, phù điêu, tường rào, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ, cùng các hệ thống phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, bể nước, nhà bảo quản, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh và chòi nghỉ.
Dẫn nguồn tin từ Cổng thông tin của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội, quận Thanh Xuân sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời hàng trăm hộ dân đang sinh sống quanh khu vực di tích để thực hiện dự án. Nhằm thúc đẩy tiến độ công tác này, ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Lê Hồng Thắng, đã trực tiếp đối thoại với người dân có đơn kiến nghị, cung cấp giấy tờ về nhà, đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Một ngày không xa, Công viên Văn hóa – Lịch sử Gò Đống Thây sẽ hoàn thành, trở thành không gian văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí, đồng thời góp phần tạo dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch cho quận Thanh Xuân và Thủ đô Hà Nội.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê về diện tích các thành phố vào năm 2022, diện tích cả nước là 99.474,42 km2. Trong đó, Hà Nội có diện tích đạt 3.359,84 km², chiếm hơn 3,3% diện tích cả nước. Với con số ấn tượng này, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam.
>> Thị trấn chỉ rộng 7km2 nhưng ‘nắm giữ’ tới 4 Di tích quốc gia của Việt Nam