Chứng khoán

Đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp vốn hoá 15.000 tỷ đồng ráo riết ‘săn’ hàng trăm nhà xưởng rộng hơn chục nghìn m2 tại nhiều tỉnh thành lớn

Lan Phương 11/07/2024 14:11

Trên thị trường, cổ phiếu doanh nghiệp sàn HoSE này vừa có đà tăng mạnh lên vùng đỉnh 2 năm.

Hoa Sen Home sẽ lớn gấp nhiều lần Tập đoàn Hoa Sen hiện nay

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa thông báo về việc muốn hợp tác với các tổ chức, công ty, cá nhân có năng lực để triển khai “Hệ thống Siêu thị Vật liệu Xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home”.

Cụ thể, HSG đang tìm kiếm các đơn vị cho thuê mặt bằng/nhà xưởng để mở tổng kho cho hệ thống Siêu thị Hoa Sen Home tại loạt địa phương trên cả nước như Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Long An… với số lượng khoảng 300 - 500 nhà xưởng, mỗi địa điểm có diện tích mặt bằng từ 10.000 - 20.000m2, thời hạn cho thuê tối thiểu 10 năm.

Đồng thời, HSG này cũng thông báo tìm kiếm các đối tác cung cấp sản phẩm thuộc ngành hàng vật liệu xây dựng và nội thất để triển khai phân phối và kinh doanh tại hệ thống siêu thị Hoa Sen Home.

Đây được xem là những động thái mới nhất của Hoa Sen trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng Hoa Sen Home trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôn mạ và các sản phẩm vật liệu xây dựng đang có tín hiệu hồi phục tích cực khi thị trường bất động sản dần “ấm lên”.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp vốn hoá 15.000 tỷ đồng ráo riết tìm hàng trăm nhà xưởng rộng hơn chục nghìn m2 tại nhiều tỉnh thành lớn

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tôn mạ và ống thép tại Việt Nam, nhưng vài năm gần đây, Hoa Sen dần dịch chuyển sang các lĩnh vực mới. Theo đó, Hoa Sen (HSG) đã chuyển dần sang lĩnh vực bán lẻ vật liệu xây dựng và có động thái bước sang lĩnh vực bất động sản.

Chuỗi Hoa Sen Home - hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất được nâng cấp từ hệ thống phân phối bán lẻ trước đây - ra mắt vào năm 2021. Tại ĐHCĐ thường niên 2022, Hoa Sen Home được Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Lê Phước Vũ khẳng định, đây là nỗ lực cuối cùng của ông trước khi rời Tập đoàn, với kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên đến 2 tỷ USD. Ông Vũ còn nói, nếu được điều hành tốt, Hoa Sen Home sẽ lớn gấp nhiều lần Tập đoàn Hoa Sen hiện nay.

Đáng chú ý, ông Vũ tự tin, trong 5 - 10 năm tới, khi nói đến Hoa Sen, thị trường sẽ nhắc đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home. Bởi vì, từ năm 2022, Tập đoàn sẽ không đầu tư vào sản xuất thép, những tài sản không liên quan đến hệ thống phân phối đều sẽ bán hết, kể cả dự án khách sạn, khu công nghiệp…

Cuối niên độ tài chính 2020 - 2021, chuỗi Hoa Sen Home có 80 cửa hàng, đến cuối niên độ 2022 - 2023 tăng lên 114 cửa hàng trên cả nước. Trong niên độ 2023 - 2024, Hoa Sen đặt mục tiêu củng cố, nâng cao hiệu quả vận hành, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc chuyển đổi hệ thống Hoa Sen Home thành CTCP Hoa Sen Home.

Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá chuỗi vật liệu xây dựng có cái khó đối với “tân binh” so với các lĩnh vực bán lẻ khác, đó là tính đặc thù. Do đặc thù ngành, việc chọn vật liệu xây dựng thường uỷ quyền từ chủ dự án sang các đơn vị xây dựng. Vì vậy, việc ‘chen chân’ của đơn vị mới sẽ không đơn giản”, vị chuyên gia nói.

Còn dư địa tăng trưởng từ sức mạnh nội tại - “Bắt đáy” HRC thành công, HSG nhiều khả năng bùng nổ lợi nhuận

Về hoạt động cốt lõi, sau nhịp hồi phục giá thép cuối năm 2023, giá thép thế giới trong quý I/2024 điều chỉnh mạnh về đáy tháng 5/2023, gây áp lực trích lập giảm giá tồn kho đối với các doanh nghiệp thép.

Ông Lê Phước Vũ thừa nhận khó khăn trong năm 2024 tại ĐHCĐ tổ chức ngày 18/3 “Hiện nay, tất cả công ty thép của Trung Quốc đang lỗ, riêng đối với Hoa Sen, Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm, nhưng với tình hình phức tạp hiện nay, tình hình dự báo có thể xấu hơn, giá thép có khả năng thấp hơn đáy của năm 2023. Vì vậy, thay vì kế hoạch lãi 700 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2023 - 2024 như dự tính ban đầu, doanh nghiệp đã đặt kế hoạch lãi chỉ khoảng 400 - 500 tỷ đồng để phòng ngừa kịch bản xấu”.

Quý đầu năm 2024, HSG ghi nhận doanh thu thuần 9.248,2 tỷ đồng tăng 32,5% so với quý I/2023 (YoY). Các chỉ số kinh doanh khá ổn định, như biên lợi nhuận gộp khoảng 12%, chi phí bán hàng khoảng 8%, chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 1,2%.

Biến số lớn nhất đến từ doanh thu hoạt động tài chính. Trong quý I/2024, Hoa Sen ghi nhận 133,9 tỷ đồng tiền lãi do chênh lệch tỷ giá, tăng 115 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng mạnh và lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá giúp Hoa Sen lãi sau thuế 318,9 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm, tăng 27,6% YoY.

Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn lại “âm nặng”. Tại thời điểm ngày 31/3/2023, dòng tiền kinh doanh trong quý I/2024 của Hoa Sen âm 3.142,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản phải thu tăng 986,7 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 4.397,3 tỷ đồng lên 11.918,6 tỷ đồng (chiếm 54,2% tổng tài sản).

Để bù đắp cho dòng tiền kinh doanh thiếu hụt, Hoa Sen đã vay thêm 3.227,9 tỷ đồng nâng tổng nợ vay lên 6.164,2 tỷ đồng (100% là nợ vay ngắn hạn).

Hồi tháng 3, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT từng tiết lộ hạn mức tín dụng của Tập đoàn là 18.000 tỷ đồng, dư nợ lúc đó hơn 5.000 tỷ đồng. Dự nợ lên cao do tính thời điểm đáp ứng đơn hàng, tồn kho tăng cao, thông thường dư nợ chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Ông Vũ cũng cho biết lãi vay bình quân của Hoa Sen hiện nay là 2,1%/năm. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh ổn định, dòng tiền dương dự kiến 1.500 - 2.000 tỷ đồng/năm.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp vốn hoá 15.000 tỷ đồng ráo riết tìm hàng trăm nhà xưởng rộng hơn chục nghìn m2 tại nhiều tỉnh thành lớn
HSG tăng mạnh tích trữ (KBSV)

Điểm sáng là, động thái tăng tích trữ có thể đến từ kỳ vọng các đơn hàng tiếp tục khả quan trong các quý tới, nhất là khi Tập đoàn Hoa Sen đang tăng cường thâm nhập các thị trường ngách ở khu vực ASEAN như Malaysia. Đồng thời, giá thép cuộn cán nóng (HRC) giao dịch ở mức thấp, chỉ khoảng 530 - 550 USD/tấn, giảm 10% so với quý liền trước.

Đối với giá HRC đầu vào, sau giai đoạn giảm đáng kể vừa qua, giá HRC có thể sẽ hồi phục về mức trung bình 600 USD/tấn trong 6 tháng cuối năm, tăng 11% so với nửa đầu năm (theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt). Đồng thời, trong trường hợp HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại Việt Nam, giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép nhiều khả năng tăng mạnh.

Ngày 14/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm 5 công ty: Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam; Tôn Đông Á và China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Với quyết định trên của Bộ Công Thương, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, Hoa Sen sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất. Điều này có được nhờ vào vị thế của HSG tại các thị trường tôn mạ và thép ống.

Hiện nay, HSG đang giữ vị trí top 1 thị phần tôn mạ và top 2 thị phần thép ống với lần lượt 28% và 14%. Nếu biện pháp áp thuế chống bán phá giá được thông qua, HSG sẽ là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp vốn hoá 15.000 tỷ đồng ráo riết tìm hàng trăm nhà xưởng rộng hơn chục nghìn m2 tại nhiều tỉnh thành lớn
HSG đang giữ vị trí top 1 thị phần tôn mạ và top 2 thị phần thép ống (VPBS)

Cũng trong ngày 14/6, Bộ Công Thương ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đơn vị này cũng cho hay, trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Như vậy, với việc đã tích trữ lượng lớn HRC giá rẻ, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoa Sen trong nửa cuối niên độ tài chính 2024 có thể được duy trì quanh mức 12,5%.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp vốn hoá 15.000 tỷ đồng ráo riết tìm hàng trăm nhà xưởng rộng hơn chục nghìn m2 tại nhiều tỉnh thành lớn

Trên thị trường, HSG đang giao dịch quanh vùng đỉnh 2 năm, sau khi tăng mạnh 30% giai đoạn cuối tháng 4 đầu tháng 6 vừa qua. Tạm dừng phiên sáng 11/7, vốn hoá Hoa Sen đạt 15.430 tỷ đồng.

>> Nhà máy gang thép 8.100 tỷ đồng 17 năm chưa hoàn thiện: Đề xuất chấm dứt với nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam tự làm

Dự án khu đô thị gần 3.900 tỷ đồng ở huyện Mê Linh sắp được hồi sinh sau hơn chục năm ‘đắp chiếu’

Nhìn lại đà tăng 'phi mã' của nhóm thép sau câu chuyện điều tra chống bán phá: Lịch sử năm 2016 liệu có lặp lại?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/di-tim-dong-luc-tang-truong-moi-doanh-nghiep-von-hoa-15000-ty-dong-rao-riet-tim-hang-tram-nha-xuong-rong-hon-chuc-nghin-m2-tai-nhieu-tinh-thanh-lon-241731.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp vốn hoá 15.000 tỷ đồng ráo riết ‘săn’ hàng trăm nhà xưởng rộng hơn chục nghìn m2 tại nhiều tỉnh thành lớn
POWERED BY ONECMS & INTECH