Điểm sáng bất động sản khu Đông Hà Nội: "Thay da đổi thịt" với 10 cây cầu bắc qua sông Hồng
Bất động sản khu đông được ưu ái sở hữu nhiều lợi thế vượt trội giúp Hà Nội đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế, di chuyển thuận lợi… vì vậy được nhiều người dân quan tâm, từ đó kéo theo giá nhà tăng vùn vụt.
Vài năm gần đây, thị trường bất động sản khu vực phía Đông đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên một diện mạo mới, tạo ra sự sôi động cho thị trường bất động sản khu vực phía Đông Thủ đô.
Sở hữu nhiều lợi thế để phát triển bất động sản cùng lịch sử tăng giá ấn tượng của các dự án bất động sản đang hiện hữu, khu vực phía Đông được kì vọng sẽ là điểm hút dân mới của thị trường bất động sản thủ đô trong tương lai.
Để đạt được lợi thế “hút dân”, bất động sản phía đông Hà Nội đã được thành phố ưu ái phát triển hàng loạt hạng mục cầu đường, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông của khu vực.
Theo quy hoạch chung của thành phố, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, bao gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Việc có thêm 10 cây cầu được xem là "át chủ bài" để Thủ đô đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong việc di chuyển đến các quận trung tâm cũng như đi các tỉnh thành lân cận.
Đáng chú ý, cột mốc cầu Vĩnh Tuy 2 mới thông xe dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và việc Thủ tướng chỉ đạo sớm khởi công cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở vào năm 2024 cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ với việc thay đổi diện mạo hạ tầng khu đông Hà Nội. Thông tin tích cực này vừa góp phần giảm tải áp lực giao thông, tăng thêm kết nối khu trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận vừa tạo ra một vùng phát triển đô thị mới tại phía đông Hà Nội.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư lâu năm, cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản tăng lên đến đó. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối là bàn đạp để thúc đẩy sự phát triển của các tiện ích khác, thay đổi diện mạo khu vực, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ly tâm, nhất là khi quỹ đất tại khu vực trung tâm không còn nhiều.
Trước năm 2010, không có nhà đầu tư nào quan tâm đến khu đông Hà Nội. Sau này, nhờ hệ thống cầu vượt sông "đi trước" như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Đông Trù… mở đường cho hàng loạt dự án đại đô thị có mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, khiến giá đất trên các địa bàn này tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Đáng chú ý, giai đoạn 2012 - 2022, giá chào bán các sản phẩm bất động sản thị trường sơ cấp ghi nhận mức tăng đều và trung bình 20%/năm. Một số dự án ghi nhận giá chào bán giai đoạn tiếp theo cao hơn tới 30% so giai đoạn trước (cách nhau khoảng một năm).
Báo cáo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2022, giá chung cư sơ cấp toàn Hà Nội tăng đều qua các năm. Trong đó, khu đông mở rộng của Hà Nội có mức tăng giá nhiều nhất. Cụ thể, Văn Giang - Hưng Yên là khu vực có mức tăng giá cao nhất, đạt 29%/ năm, tiếp theo đó là khu Đông Hà Nội (bao gồm Long Biên, Gia Lâm) tăng 16%/năm.
Với khí thế phát triển hạ tầng, việc kết nối bờ Tây và bờ đông sông Hồng góp phần đánh thức tiềm năng vốn có của khu đông Hà Nội, thúc đẩy thị trường bất động sản vươn lên.
Theo những nhịp cầu kết nối hai bờ sông Hồng, hàng loạt đại đô thị có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, hưởng lợi từ hạ tầng hiện đại, quy hoạch bài bản, đồng bộ được hình thành.
Hà Nội chuẩn bị đấu giá hàng loạt khu đất quận Cầu Giấy, giá khởi điểm chỉ 29,7 triệu đồng
Đề xuất xây khu đô thị 2.500ha tại tỉnh giáp Hà Nội sẽ lên TP trực thuộc Trung ương
Khách Nhật ngồi vỉa hè thử một món ăn 'lạ' ở Hà Nội, bất ngờ vì mức giá