Đô thị kiểu mẫu của 2 thành phố lớn nhất cả nước sau gần 30 năm: Nơi được mệnh danh đáng sống, nơi thành chốn 'đất chật người đông'
Là hai đô thị kiểu mẫu đầu tiên của 2 thành phố lớn và cũng như của cả nước, thế nhưng lại có sự phát triển theo hướng đối lập giữa 2 đô thị này.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng từng là khu vực đầm lầy, phèn chua nước mặn của vùng đất Nam Sài Gòn. Năm 1993, Công ty Phú Mỹ Hưng đã chi 2 triệu USD để tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch Đô thị mới tại khu vực này với sự tham gia của các nhà quy hoạch kiến trúc hàng đầu thế giới.
Năm 1996, chủ đầu tư là Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng trên diện tích đất rộng 4,33km2. Khu đô thị được hình thành với cơ sở là 3 tiêu chuẩn quy hoạch gồm: Chú trọng phát triển bền vững; đón đầu tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tuân thủ nghiêm ngặt quy định thiết kế, kiến trúc công trình; Không cơi nới phá vỡ quy hoạch và tự nhiên. Năm 2008, Phú Mỹ Hưng là khu đô thị đầu tiên của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu và trở thành hạt nhân trong sự phát triển của quận 7 cũng như khu Nam thành phố.
Ngày nay, sau những nỗ lực không mệt mỏi của chủ đầu tư và sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo thành phố, Phú Mỹ Hưng đã trở thành một đô thị ngăn nắp với mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gồm hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, cơ sở y tế, giáo dục… hoàn chỉnh và hiện đại. Nơi đây vẫn luôn là khu đô thị kiểu mẫu bậc nhất Việt Nam, là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao, tri thức, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, giải trí.
Tính đến nay, đô thị Phú Mỹ Hưng đã có 85 dự án nhà ở với gần 12.000 đơn vị nhà ở các loại, tổng sàn diện tích xây dựng gần 2,5 triệu m2 và đã thu hút khoảng 25.000 người dân (trong đó có khoảng 12.000 người nước ngoài) từ khắp nơi đến lập nghiệp. Theo dự báo, trong tương lai không xa, khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 100.000 dân.
Cùng với đó, khu đô thị còn tập trung phát triển xanh, hướng đến môi trường khi khai thác ưu thế từ đặc trưng sông nước của huyện Nhà Bè. Những mảng xanh hiện hữu được tái tạo thành công viên, khu bảo tồn, khu giải trí xen kẽ giữa các khu dân cư. Hiện Phú Mỹ Hưng có nhiều công viên lớn nhỏ, nổi bật như Nam Viên, Sakura Park, trở thành nơi vui chơi, giải trí của cư dân trong khu vực cũng như các quận lân cận. Đô thị có tỷ lệ phủ xanh với mật độ cây xanh bình quân 8,9m2/người.
Khởi công sau Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP. HCM 1 năm, Khu đô thị Linh Đàm là một trong những khu đô thị mới đầu tiên tại Thủ đô. Nơi đây được quy hoạch với quy mô trên 200ha, trong đó gần 50% là hồ nước. Theo kế hoạch, Linh Đàm sẽ có 0,9km2 nhà ở phục vụ cho 25.000 cư dân, tỷ lệ cây xanh, mặt hồ đạt 13m2/người. Tuy nhiên trên thực tế, Khu đô thị Linh Đàm lại phát triển theo hướng khác.
Sau khi được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009, thay vì vươn lên khẳng định thương hiệu thì khu đô thị này lại trở nên "đuối sức" trong quá trình phát triển. Nguyên nhân là từ những thay đổi về mục đích sử dụng đất và thiếu đầu tư dịch vụ đời sống thiết yếu. Đặc biệt, khu đô thị này còn đối mặt với sự gia tăng dân số nhanh chóng và vượt nhiều lần so với quy hoạch.
Theo đó, hiện nay, mật độ chung cư tại Linh Đàm dày đặc. Đơn cử như tổ hợp chung cư HH với 12 tòa cao từ 35 đến 41 tầng với 8.000 căn hộ, là nơi cư ngụ của 40.000 dân, gần bằng 2 phường bình thường của thành phố Hà Nội và lớn hơn nhiều so với số dự kiến trong quy hoạch đầu tiên. Khu đất ở trung tâm bán đảo Linh Đàm dự kiến xây dựng văn phòng thế nhưng cũng đã bị chuyển đổi thành đất ở với những tòa nhà xây vượt tầng cao quy định. Hay một tòa được quy hoạch là khu chung cư thấp tầng như VP6 cũng đã được cơi nới, xây vượt lên đến 35 tầng.
Dân số của Khu đô thị Linh Đàm cũng đã lên đến 70.000 người, gần bằng quy mô dân số của đô thị loại III như thị xã Phú Thọ, Bỉm Sơn, Gò Công… Diện tích cây xanh còn khoảng 4m2/người, thấp hơn một nửa so với tiêu chí của đô thị kiểu mẫu mà Bộ Xây dựng ban hành.
Việc "đất chật người đông" với mật độ xây dựng lên đến 50% cùng lượng dân cư quá cao khiến chất lượng của khu đô thị ngày càng xuống cấp. Và để đáp ứng nhu cầu cho lượng dân cư khổng lồ, những con đường xung quanh các tòa chung cư biến thành chợ dân sinh, thường xuyên đối mặt với ô nhiễm và rác thải. Những hình ảnh này khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, mất đi giá trị của một khu vực từng là đô thị kiểu mẫu của Thủ đô.
Bên cạnh đó, những tiện ích của khu đô thị như công viên, nhà văn hóa đều đã xuống cấp do không được chăm sóc. Giờ đây, khu đô thị này đã không còn giữ được định hướng ban đầu khi phá vỡ quy hoạch và trở thành ví dụ điển hình cho các nhà quy hoạch đô thị.
Ảnh: Tổng hợp