Doanh nghiệp bán lẻ bứt phá lợi nhuận quý I/2022 nhờ "tích sản"

09-05-2022 16:27|Anh Tú

Với việc tổng mức bán lẻ hồi phục mạnh mẽ sau mở cửa, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn nhờ chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đầy đủ đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất khả quan quý I/2022.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 đạt 455.500 tỷ đồng - tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1,78 triệu tỷ đồng - tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương đánh giá tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng trong đó bán lẻ hàng hóa 4 tháng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng.

Ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài,…

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn nhờ chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đầy đủ đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất khả quan quý I/2022.

Mới đây, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (HOSE: FRT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu 7.786 tỷ đồng - tăng 67% so với cùng kỳ năm trước trong đó doanh thu chuỗi Long Châu đạt 2.159 tỷ đồng - gấp 3,7 lần; chuỗi FPT Shop đóng góp 5.646 tỷ đồng - tăng 38%.

Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,55% lên 15,83%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 165 tỷ đồng - gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước.

Tương tự, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) ghi nhận doanh thu kỷ lục 36.467 tỷ đồng trong quý I - tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.445 tỷ đồng - tăng 8% và là mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động.

Trong cơ cấu doanh thu, riêng 3 chuỗi Thế giới Di động, Điện Máy Xanh và Topzone đóng góp 30.000 tỷ đồng - tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 6.040 tỷ đồng doanh thu - tăng 2% so với quý I/2021; chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận doanh số gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước.

Với CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ), doanh nghiệp này cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh so với nền cao cùng kỳ năm trước. Doanh thu 10.143 tỷ đồng - tăng 41,2%; lãi sau thuế 721 tỷ đồng - tăng 40,7%.

Với Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.189 tỷ đồng - giảm 8,9% so với mức 19.977 tỷ đồng của quý I/2021 do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi; lãi sau thuế của Masan Group tăng 452,5% lên 1.895 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.596 tỷ đồng - gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ đơn vị bán lẻ, các đơn vị bán buôn cũng được hưởng lợi khi sức mua phục hồi sau dịch. CTCP Thế giới số - Digiworld (HOSE: DGW) báo cáo doanh thu quý I tăng 40% đạt 7.009 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 97,2% đạt 210,9 tỷ đồng hay doanh thu của Petrosetco (HOSE: PET) quý đầu năm đạt 4.816 tỷ đồng - tăng 14% nhờ hoạt động phân phối sản phẩm laptop; lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng - tăng 37%.

Đa phần lãnh đạo doanh nghiệp đều nhìn thấy cơ hội mở rộng thị phần khi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã phải dừng hoạt động sau 2 năm dịch bệnh. Trong những quý còn lại của năm 2022, các doanh nghiệp bán lẻ cũng tìm kiếm các động lực tăng trưởng khác, chuẩn bị cho sự bão hòa của thị trường trong tương lai.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail chia sẻ doanh nghiệp luôn quan tâm đến những mảng ngành nghề có tiềm năng và tìm kiếm cơ hội mở ra ngành hàng mới để làm gối đầu cho chiến lược tăng trưởng. Như trong mảng dược phẩm, không chỉ bán thuốc, doanh nghiệp còn nhìn thấy tiềm năng ở mảng healthcare (phòng khám, spa...).

Hay Digiworld lấn sân vào phân phối sản phẩm home appliance (thiết bị gia dụng). Ông Đoàn Hồng Việt, CEO công ty cho biết, mảng này có tổng giá trị thị trường khoảng 2,4 tỷ USD và Digiworld đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần doanh thu. Doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) cho nhãn hàng Whirlpool và Joyoung cho ngành hàng này. Mảng này dự kiến bắt đầu đóng góp doanh thu từ quý II.



Sản xuất đảm bảo xuất khẩu 7,4 triệu tấn gạo

Cảnh báo lừa đảo khi giao dịch xuất nhập khẩu với đối tác tại UAE

Điện mặt trời mái nhà có giá 0 đồng để tránh trục lợi chính sách

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-ban-le-but-pha-loi-nhuan-quy-i2022-nho-tich-san-125871.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp bán lẻ bứt phá lợi nhuận quý I/2022 nhờ "tích sản"
POWERED BY ONECMS & INTECH