Nhiều chuyên gia cảnh báo, dù dịch bệnh COVID-19 đã bắt đầu từ năm trước nhưng những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có sự bật dậy. Tuy vậy, đến làn sóng COVID-19 thứ tư, các doanh nghiệp thực sự đối mặt kịch bản rủi ro cao nhất.
Bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng. Đơn cử, như nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng tăng dần, các phân khúc nhà ở gắn liền với đất, biệt thự, nhà liền kề vẫn tăng giá đều mỗi quý.
Đặc biệt, thị trường đất nền ven các thành phố lớn, tuy đã “hạ nhiệt” so với giai đoạn “sốt nóng” hồi đầu năm 2021. Thế nhưng, nhìn chung, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Long An, Bình Dương, Đồng Nai vẫn còn nhiều tiềm năng.
Kể từ khi đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 xuất hiện, và hàng loạt địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thị trường bất động sản một lần nữa rơi vào cảnh “trầm lắng”. Các doanh nghiệp bất động sản, các chủ đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng.
Với tình hình thị trường hiện tại, giao dịch giảm, nguồn cung giảm. Đây là “khoảng lặng” tất yếu của thị trường, là yếu tố bất khả kháng mà doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.
Dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19, nhưng dịch kéo dài sẽ khiến các thị trường khác tác động tới bất động sản, ví dụ như giá vật liệu xây dựng vừa qua tăng cao làm giá thành bất động sản tăng theo.
Đồng thời, các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, mặc dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã thông thoáng hơn. Do đó, các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho thấy, bất động sản vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa bảo đảm tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa bất động sản và các kênh khác.