Doanh nghiệp đang quản lý 540km đường cao tốc tại Việt Nam được đề xuất tăng vốn điều lệ gấp 34 lần
Mức đề xuất tăng thêm gấp hơn 34 lần vốn điều lệ hiện hành của doanh nghiệp này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Ngày 17/2, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình đề nghị bổ sung 38.251 tỷ đồng (gấp hơn 34 lần hiện hành) vốn điều lệ cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung hơn 38.000 tỷ đồng, bao gồm 1.562 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển và 36.690 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân cho 5 dự án cao tốc. Trong đó, 10.062 tỷ đồng là vốn đối ứng, 24.127 tỷ đồng từ nguồn ODA chuyển từ vay lại sang cấp phát và 2.500 tỷ đồng cấp phát cho dự án Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc tăng vốn từ nguồn đã giải ngân giúp bảo toàn vốn Nhà nước, song Luật Đầu tư công chưa có quy định về chuyển vốn dự án thành vốn điều lệ doanh nghiệp. Quyết định này thuộc thẩm quyền Quốc hội, làm căn cứ để Thủ tướng phê duyệt.
Việc bổ sung vốn không làm phát sinh nợ công, không tác động đến ngân sách. Đây cũng là bước cần thiết để VEC huy động vốn đầu tư các tuyến cao tốc mới và mở rộng dự án hiện có. Giai đoạn đến 2025, VEC cần khoảng 14.890 tỷ đồng, tới 2030 cần thêm 30.500 tỷ đồng.
VEC hiện quản lý, đầu tư và bảo trì hệ thống đường cao tốc quốc gia, là chủ đầu tư 5 dự án với tổng chiều dài 540km, tổng mức đầu tư 108.865 tỷ đồng. Đến nay, 4/5 dự án đã đi vào khai thác, chiếm khoảng 27% tổng chiều dài đường cao tốc Việt Nam.
Dù có vai trò quan trọng, vốn điều lệ của VEC chỉ 1.115 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư các dự án rất lớn. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo hệ số nợ/vốn chủ sở hữu theo quy định.