Với chiến lược "Go Global", Masan Consumer (MCH) đang "sửa soạn đường đi" cho 30 triệu chén nước chấm Chinsu tại thị trường trong nước và "tiến công" sân chơi hàng tiêu dùng trên thế giới.
CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (Mã MCH - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu 6.580 tỷ đồng - tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.669 tỷ - tăng 20,2% YoY.
Đến cuối quý, tổng tài sản công ty duy trì trên mức 40.000 tỷ đồng trong đó gần 8.200 tỷ đồng là các khoản tiền mặt/tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Riêng khoản tiền này đã mang về cho MCH gần 350 tỷ đồng thu lãi tiền gửi và đầu tư chứng khoán kinh doanh (trái phiếu).
Masan Consumer ghi nhận tổng nợ phải trả giảm hơn 2.000 tỷ so với đầu năm, còn 12.119 tỷ đồng (bao gồm hơn 7.000 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn). Vốn chủ sở hữu của công ty tăng lên mức gần 28.100 tỷ đồng trong đó có 17.770 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Masan Consumer được biết đến là doanh nghiệp thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Masan (Mã MSN).
Tại ĐHCĐ Masan diễn ra sáng ngày 25/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo", là niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng. Đây là "đại sứ ẩm thực" được Masan mang ra thế giới, tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh.
>> Tiền lớn vào nhóm Masan: Cổ phiếu MSN bứt mạnh 21%, MCH lập chuỗi tăng kỷ lục
Ông Quang tiết lộ, Masan Group có ý định IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan Consumer (Masan Consumer Holdings, MCH) trong thời gian tới.
Theo chiến lược "Go Global", Tập đoàn đặt mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới với Masan Consumer Holdings hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc MCH Trương Công Thắng, công ty hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7 (đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty).
MCH đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (HMR) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR).
Quy mô thị trường hàng tiêu dùng FMCG mà MCH phục vụ đến 15 tỷ USD nhưng công ty mới chỉ chiếm khoảng 8%. Thậm chí với quy mô thị trường FMCG Việt Nam khoảng 32 tỷ USD thì MCH cũng mới chiếm thị phần 3-4%. Do đó, ông Thắng nói còn nhiều cơ hội để cạnh tranh với đơn vị khác, để người tiêu dùng lựa chọn.
Mục tiêu chiến lược của MCH là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu.
Vị lãnh đạo đồng thời nhấn mạnh, Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị tường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín...
Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Được biết, Masan Consumer đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và chia cổ tức năm tài chính 2023 bằng tiền mặt 10.000 đồng/cp (lợi suất cổ tức 7,2%). Với việc 45% cổ tức được trả trong năm 2023, tỷ lệ 55% còn lại (1 cổ phiếu nhận 5.500 đồng) dự kiến được trả trong một vài tháng tới.
Với 717,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MCH cần chi thêm 3.946 tỷ đồng để hoàn tất đợt cổ tức này.
>> Tập đoàn Masan (MSN) mang về gần 18.900 tỷ doanh thu trong quý I/2024
Mỗi ngày lãi 700 triệu đồng, Masan (MSN) muốn đưa Phúc Long thành chuỗi cà phê quốc tế
Masan (MSN): Một tổ chức nước ngoài rót hơn 6.300 tỷ đồng mua gần 75 triệu cổ phiếu