Doanh nghiệp tư nhân đứng sau tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới: 60 năm chưa từng xảy ra tai nạn, liên tục có lãi
Kể từ khi thành lập vào năm 1987, JR Central đã trở thành một hình mẫu về cách vận hành hạ tầng giao thông công cộng hiệu quả dưới mô hình tư nhân.
Tokaido Shinkansen – “Con gà đẻ trứng vàng”
Tuyến đường sắt cao tốc Tokaido Shinkansen, khai trương vào ngày 1/10/1964, là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới. Với chiều dài hơn 500km, tuyến đường này đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới và phát triển kinh tế của Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Được vận hành bởi công ty tư nhân Central Japan Railway Company (JR Central), tuyến đường đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch giữa Tokyo, Nagoya và Osaka.
Ban đầu, Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (JNR) là chủ đầu tư dự án đường sắt cao tốc đầu tiên này, với tổng kinh phí 380 tỷ yên (khoảng 67.085 tỷ đồng). Tuy nhiên, vào năm 1987, JNR được chia tách và tư nhân hóa, dẫn đến sự ra đời của JR Central - đơn vị đang chịu trách nhiệm vận hành tuyến Tokaido Shinkansen.
JR Central đã tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, biến tuyến đường này thành một trong những tuyến đường sắt cao tốc bận rộn và hiệu quả nhất thế giới.

Tokaido Shinkansen hiện phục vụ khoảng 432.000 hành khách mỗi ngày, với 372 chuyến tàu hoạt động hàng ngày. Sở hữu tốc độ tối đa lên đến 285 km/h, tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tokyo và Shin-Osaka từ 8 tiếng bằng tàu hỏa xuống còn khoảng 2 tiếng rưỡi.
Đáng chú ý, trong suốt 60 năm hoạt động, tuyến đường này chưa ghi nhận bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào liên quan đến hành khách, thể hiện cam kết mạnh mẽ của JR Central đối với an toàn và độ tin cậy trong vận hành. Thời gian trễ chuyến trung bình của hệ thống cũng chưa đến 5 phút, thể hiện hiệu suất vận hành vượt trội.
Ông Nagashima Teruyoshi, trưởng phòng truyền thông của JR Central, chia sẻ: “3 khu đô thị lớn Tokyo, Nagoya, Osaka chiếm tới 60% GDP của Nhật Bản. Shinkansen đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối vùng kinh tế trọng điểm này và phát triển kinh tế Nhật Bản nói chung”.
Nhận thấy tiềm năng của công nghệ tàu cao tốc, JR Central đang nỗ lực quảng bá và xuất khẩu hệ thống Shinkansen thế hệ mới ra thị trường quốc tế, thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp tư nhân trong việc mở rộng ảnh hưởng công nghệ Nhật Bản ra toàn cầu.
Không như nhiều hệ thống đường sắt khác trên thế giới vốn phụ thuộc vào trợ cấp Nhà nước, JR Central hoạt động dựa vào doanh thu từ vận hành và đầu tư – một điều hiếm có trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo các báo cáo tài chính, Tokaido Shinkansen là nguồn thu chính của JR Central, chiếm hơn 85% tổng doanh thu từ vận hành đường sắt.
Nhờ vào nhu cầu ổn định, hiệu suất vận hành cao và chi phí bảo trì được kiểm soát tốt, công ty liên tục ghi nhận lợi nhuận ấn tượng, ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh với hàng không giá rẻ và các hình thức vận tải khác.
Sự thành công này cho thấy mô hình doanh nghiệp tư nhân có thể quản lý và phát triển hạ tầng giao thông công cộng một cách hiệu quả, bền vững.

Dự án nổi bật khác
Không dừng lại ở thành công hiện tại, JR Central đang dẫn đầu một trong những dự án hạ tầng tham vọng nhất thế giới: tuyến đường sắt từ trường Chuo Shinkansen.
Đây là hệ thống tàu cao tốc sử dụng công nghệ Maglev (magnetic levitation), dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn đầu từ Tokyo đến Nagoya vào năm 2037.
Hệ thống sẽ có tốc độ lên tới 500 km/h – biến quãng đường 286km chỉ còn hơn 40 phút di chuyển.
Được biết JR Central tự đầu tư toàn bộ chi phí – ước tính hơn 9 nghìn tỷ yên (tương đương hơn 60 tỷ USD) – mà không phụ thuộc vào vốn ngân sách của Chính phủ.
Dù dự án gặp một số chậm trễ do vấn đề giải phóng mặt bằng và chi phí leo thang, giới chuyên gia vẫn xem đây là bước đột phá chiến lược giúp củng cố vị thế của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vận tải tiên tiến.
Trong bối cảnh nhiều nước đang tìm cách cải thiện hệ thống đường sắt quốc gia để nâng cao hiệu quả, JR Central nổi lên như một hình mẫu tư nhân hóa thành công. Với chiến lược đầu tư dài hạn, quản trị hiệu quả và đổi mới công nghệ, công ty không chỉ duy trì được sự ổn định tài chính mà còn góp phần định hình tương lai ngành giao thông công cộng.
Tổng hợp
>> Hai siêu cường cùng bơm vốn, 'thắp lửa' cho tuyến đường sắt 181.000 tỷ đồng ở Đông Nam Á