Hai siêu cường cùng bơm vốn, 'thắp lửa' cho tuyến đường sắt 181.000 tỷ đồng ở Đông Nam Á
Dự án 250km nối 3 cảng và 2 sân bay tại đảo Luzon (Philippines) vừa được Mỹ tăng vốn, mở đường cho hợp tác tam phương với Nhật Bản và Thụy Điển.
Chính phủ Mỹ đã phê duyệt khoản tài trợ cho dự án đường sắt chủ chốt thuộc Hành lang Kinh tế Luzon – sáng kiến hạ tầng trọng điểm nhằm kết nối các cảng và khu công nghiệp chiến lược của Philippines.
Động thái này được giới phân tích nhận định là tín hiệu cho thấy Washington muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Manila, bất chấp xu hướng siết viện trợ nước ngoài trên diện rộng.
“Hành lang Kinh tế Luzon vẫn đang đi đúng hướng. Nhiều người thời gian qua đặt câu hỏi về tiến độ. Chúng tôi vừa nhận được thư từ Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) xác nhận khoản vay dành cho tuyến đường sắt Subic – Clark – Manila – Batangas đã được thông qua”, ông Frederick Go, trợ lý đặc biệt của Tổng thống về đầu tư và các vấn đề kinh tế, cho biết tại buổi họp báo ngày 5/5.
Theo ông Go, USTDA đã nâng mức tài trợ cho dự án từ 2,5 triệu USD lên 3,8 triệu USD (khoảng 98,6 tỷ đồng). Tổng chi phí của tuyến đường sắt này rơi vào khoảng 7 tỷ USD (tương đương hơn 181.000 tỷ đồng).
“Cột mốc này cho thấy quan hệ kinh tế Philippines–Mỹ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là tin rất tích cực”, ông nói, đồng thời cho biết hai bên sẽ ký kết thỏa thuận chính thức trong vài ngày tới.

Tuyến đường sắt vận tải dài 250km sẽ nối 4 thành phố trọng điểm trên đảo Luzon – hòn đảo lớn nhất Philippines – kết nối 3 cảng lớn và 2 sân bay quốc tế. Chính phủ kỳ vọng dự án sẽ tạo việc làm, giảm chi phí vận chuyển, cải thiện logistics và thúc đẩy dòng chảy thương mại trong toàn quốc.
Ông Go nhấn mạnh tuyến đường sắt có vai trò “cực kỳ quan trọng” đối với thương mại và phát triển quốc gia nhờ khả năng kết nối các cảng chủ chốt.
Chuyên gia địa chính trị Matteo Piasentini, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Philippines, cho rằng sự ủng hộ từ Washington “là diễn biến tích cực, phản ánh sự phát triển và củng cố quan hệ Mỹ–Philippines vượt ra ngoài tính nhất thời của mỗi chính quyền”.
Dù khoản đầu tư lần này đến từ Mỹ, ông Piasentini lưu ý “nhiều khả năng Nhật Bản cũng sẽ tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng này”.
“Đây không phải là cuộc chơi song phương mà là tam phương. Cấu trúc hợp tác như vậy tạo nền tảng cam kết vững chắc hơn so với quan hệ song phương đơn lẻ”, ông nói.
Ngoài ra, một số quốc gia như Thụy Điển, Anh và Australia cũng thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia các dự án trong khuôn khổ hành lang kinh tế.
Theo ông Go, Philippines đang thảo luận với Swedfund – cơ quan tài chính phát triển của Thụy Điển – để huy động thêm 1,2 triệu USD nhằm bổ sung cho sáng kiến đường sắt này.
Hành lang kinh tế Luzon là một khái niệm quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế của Philippines, đặc biệt tập trung vào vùng đảo Luzon – đảo lớn nhất và phát triển nhất cả nước, nơi đặt thủ đô Manila. Đây là khu vực đóng vai trò xương sống kinh tế của quốc gia với nhiều cụm công nghiệp, khu đô thị hóa cao, cảng biển, sân bay quốc tế và mạng lưới giao thông trọng điểm.
Các thành phố chủ chốt trong hành lang gồm: Subic Bay (khu cảng chiến lược, từng là căn cứ hải quân Mỹ, nay là khu kinh tế đặc biệt với nhiều ưu đãi đầu tư), Clark (trung tâm công nghiệp - logistics và hàng không, sân bay quốc tế Clark là một điểm trung chuyển thay thế cho sân bay Manila), thủ đô Manila (cũng là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng) và Batangas (cảng biển phía Nam Luzon, nơi tập trung nhiều dự án công nghiệp nặng và hóa dầu).
Hành lang Luzon thường được đề cập nhiều trong bối cảnh hợp tác giữa Philippines, Nhật Bản và Mỹ trong các sáng kiến phát triển hạ tầng và chuỗi cung ứng khu vực. Đây là một phần quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà Mỹ, Nhật và các đồng minh đang thúc đẩy.
Siêu dự án được kỳ vọng trở thành một mắt xích trong mạng lưới chuỗi cung ứng khu vực, giúp Philippines thu hút FDI trong các lĩnh vực như điện tử, ô tô, năng lượng tái tạo, dịch vụ hậu cần.
Theo SCMP