Bỏ Trung Quốc, nhất quyết chọn công nghệ Nhật: Dự án đường sắt cao tốc 380km đứng trước nguy cơ ‘đắp chiếu’, chi phí đội lên hơn 40 tỷ USD
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ bất ngờ rút lại khoản tài trợ quan trọng khiến dự án rơi vào thế bế tắc với vốn đầu tư đội lên cao và chưa có phương án công nghệ rõ ràng.
Cuối năm 2023, tập đoàn đường sắt chở khách quốc gia Mỹ (Amtrak) quyết định tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Texas Central — tuyến kết nối 2 thành phố Dallas và Houston.
Với chiều dài 380km và chi phí dự kiến 30 tỷ USD, tuyến đường sắt này được kỳ vọng rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 trung tâm kinh tế lớn của bang Texas từ 3,5 tiếng bằng ô tô xuống còn 90 phút.
Dù có nhiều lựa chọn về công nghệ tàu cao tốc hiện đại đến từ Đức, Pháp hoặc Trung Quốc – vốn có chi phí thấp hơn đáng kể – Mỹ lại ưu tiên sử dụng hệ thống Shinkansen của Nhật Bản.
Đại diện Amtrak tiết lộ, dự án Texas Central lấy cảm hứng từ mẫu tàu “hình viên đạn” Shinkansen N700S Series – phiên bản nâng cấp mới nhất, vốn được ra mắt lần đầu năm 2020.
Được biết chi phí xây dựng đường sắt cao tốc tại Trung Quốc chỉ dao động từ 17 – 21 triệu USD/km, thấp hơn nhiều so với mức 25–39 triệu USD/km tại châu Âu.

Trong khi đó, theo ResearchGate, công nghệ của Nhật Bản có chi phí khoảng 21 – 35 triệu USD/km. Mặc dù vậy, phía Mỹ vẫn chọn Shinkansen – hệ thống nổi tiếng với độ chính xác và an toàn gần như tuyệt đối.
Công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản là sự kết hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm – bao gồm đường ray chuyên dụng, hệ thống điều khiển tàu tự động (ATC) và hệ thống quản lý lịch trình tự động – giúp các đoàn tàu duy trì tốc độ cao mà vẫn đảm bảo đúng giờ với độ trễ trung bình chưa đến một phút.
Ngoài ra, ATC còn có khả năng tự điều chỉnh tốc độ, duy trì khoảng cách an toàn với tàu phía trước và cảnh báo sớm các địa chấn, giúp nâng cao mức độ an toàn vận hành.
Công nghệ HSR (Shinkansen) còn liên tục được cải tiến về mặt thiết kế nhằm tối ưu hiệu suất. Đầu tàu “mũi dài” đặc trưng không chỉ giúp giảm sức cản không khí và áp suất trong các đoạn đường hầm, mà còn cải thiện tầm nhìn cho lái tàu và hạn chế rung lắc ở phần đuôi tàu.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2025, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ bất ngờ thông báo rút lại khoản tài trợ 63,9 triệu USD cho Amtrak do chi phí bị đội lên hơn 40 tỷ USD, vượt xa dự tính ban đầu.
Bộ đánh giá dự án là “thiếu thực tế” và không còn phù hợp với ngân sách liên bang. Điều này khiến kế hoạch đưa công nghệ tàu cao tốc Nhật Bản vào nước Mỹ rơi vào bế tắc.
Với việc bị rút vốn, hiện chưa rõ liệu dự án Texas Central có được tiếp tục triển khai hay không, trong bối cảnh thiếu nguồn vốn và chưa có quyết định rõ ràng về công nghệ sẽ sử dụng.
>> Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án tòa nhà 28 tầng giữa trung tâm thành phố bị đắp chiếu nhiều năm
Gần 2.000 dự án nhà ở bị đắp chiếu, chuyện gì đã xảy ra?
Ông Trump sắp hồi sinh nhà tù khét tiếng nhất nước Mỹ sau 60 năm ‘đắp chiếu’?