Đến giữa năm 2022, doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế 1.060 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 730 tỷ - năm âm thứ 6 liên tiếp.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc duy trì hạn chế giao dịch đối với hơn 40 triệu cổ phiếu SHG của Tổng CTCP Sông Hồng (Mã SHG - UPCoM).
Lý do được HNX đưa ra là kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2021 đồng thời công ty tiếp tục ghi nhận tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, phía Sông Hồng cũng không công bố thông tin về hợp ĐHCĐ thường niên các năm 2019, 2020, 2021 và 2022 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính trước đó.
Tổng CTCP Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì được Bộ Kiến trúc thành lập ngày 23/8/1958. Ngày 4/9/1991, đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng. Đến 2/6/2010 thì chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức CTCP với tên gọi là Tổng CTCP Sông Hồng (với vốn điều lệ 270 tỷ đồng).
Ngày 10/4/2015, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên UPCoM với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 9.700 đồng.
Từng là một doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, đến nay, Tổng Công ty Sông Hồng đã trở thành điển hình thất bại trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.
Còn nhớ năm 2019, liên quan đến kế hoạch thoái vốn tại SHG, Bộ Tài chính từng nêu: "Đến thời điểm ngày 31/12/2019, Sông Hồng bị mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, số lỗ lũy kế lớn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; vốn nhà nước đầu tư tại Tổng Công ty không được bảo toàn", Bộ Tài chính nhận định.
Trước tình trạng thua lỗ, vào tháng 9/2019, Tổng Công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, cổ đông nhà nước đã thoái xong vốn tại Sông Hồng và trong cơ cấu cổ đông lớn của Tổng Công ty chỉ còn 3 cổ đông lớn đều là các cá nhân.
Hơn 10 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của Tổng Công ty liên tục đi xuống với doanh thu gần như "bốc hơi", lợi nhuận và vốn chủ đều chuyển âm rất nặng.
Từ mức doanh thu 3.448 tỷ đồng năm 2011, đến hết năm 2020 con số này chỉ còn vỏn vẹn 41 tỷ đồng - giảm tới 99% sau 10 năm.
Đơn vị: Tỷ đồng
Cùng với đà lao dốc của doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Sông Hồng cũng rơi mạnh từ mức lãi vài tỷ sang lỗ vài trăm tỷ.
Cụ thể, sau năm 2011 và 2012 báo lãi lần lượt 6 và 4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của SHG bắt đầu chuyển âm 3 tỷ đồng trong năm 2013 và tăng dần qua các năm sau đó.
Đơn vị: Tỷ đồng
Tại báo cáo tài chính riêng soát xét giữa niên độ 2021, tổng tài sản của SHG ghi nhận ở mức 963 tỷ đồng; giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với trước đó 10 năm; nợ phải trả gần 1.700 tỷ đồng đó gần 1.200 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp đang có khoản lỗ lũy kế 1.060 tỷ đồng; khoản lỗ này khiến vốn chủ sở hữu âm 730 tỷ - năm âm thứ 6 liên tiếp.
Đáng nói, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của SHG phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản công nợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ nguồn vốn từ cổ đông. Những điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Năm 2021, công ty mẹ SHG ghi nhận doanh thu thuần đạt 32 tỷ đồng; việc thu không đủ bù chi khiến công ty lỗ ròng 89 tỷ đồng - cao hơn mức lỗ 56 tỷ của năm trước.
Hiện "ông lớn" này cũng chưa công bố báo cáo tài chính các quý năm 2022.
Một doanh nghiệp thép sắp giải thể, hạ màn câu chuyện sử dụng vốn của một "đại gia"
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hai cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết
Phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ: cần minh bạch, lành mạnh từ “móng”