Tập đoàn China Evergrande ghi nhận năm giảm doanh số bán bất động sản đầu tiên trong 10 năm qua, khi gã khổng lồ bất động sản này rơi vào trạng thái mất thanh khoản và niềm tin của người tiêu dùng nhạt phai.
Theo tính toán của Bloomberg, doanh số bán nhà trong năm 2021 (tính theo hợp đồng) của China Evergrande đã giảm 39% so với năm trước đó xuống 443 tỷ NDT (tương đương 70 tỷ USD). Con số này chỉ bằng 60% so với kế hoạch 750 tỷ NDT đặt ra hồi đầu năm 2021.
Kết quả sơ bộ cho thấy, doanh số tại tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới đã gần như bị đóng băng kể từ tháng 10/2021, khi cuộc khủng hoảng thanh khoản ngày càng leo thang, China Evergrande của tỉ phú Hứa Gia Ấn đối mặt với khoản tiền phải trả hơn 300 tỷ USD. Tính tới ngày 20/10/2021, doanh số của Evergrande ở mức 442 tỷ Nhân dân tệ, gần như bằng mức 443 tỷ Nhân dân tệ của cả năm 2021.
Doanh số bán bất động sản của Evergrande đã giảm dần kể từ giữa năm 2021 sau khi thông tin tiêu cực về Evergrande gây lo ngại cho người mua nhà và châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Nguyên nhân là các hoạt động xây dựng nhà ở bị đình trệ bởi tập đoàn không thể thanh toán cho nhà cung cấp và nhà thầu.
Các khách mua nhà đã tập trung ở những trụ sở của China Evergrande trên khắp Trung Quốc để đòi lại tiền.
Evergrande hiện đang gấp rút thực hiện cam kết giao nhà và cho biết, trong tuần trước, công ty này đã tiếp tục hoạt động xây dựng đối với 92% dự án nhà ở.
Cổ phiếu Evergrande tăng tới 8.2% sau khi bị tạm ngưng giao dịch trong ngày 03/01/2022. Động thái ngừng giao dịch cổ phiếu của Evergrande được đưa ra sau khi tập đoàn này bị yêu cầu phá dỡ 39 căn hộ cao cấp thuộc dự án Ocean Flower Island trên hòn đảo nhiệt đới Hải Nam trong vòng 10 ngày.
Ngày 18/12/2021, S&P Global đã hạ bậc tín nhiệm của Evergrande xuống “vỡ nợ có chọn lọc” vì tập đoàn này không trả lãi trái phiếu khi giai đoạn ân hạn kết thúc trước đó. Đây là động thái có thể châm ngòi cho vỡ nợ chéo đối với khoản nợ nước ngoài 19,2 tỷ USD của Evergrande. Trước đó, vào ngày 9/12/2021, Fitch Ratings đã gãn nhãn “vỡ nợ giới hạn” cho Evergrande.
Cuộc khủng hoảng của China Evergrande đã làm rung chuyển ngành công nghiệp bất động sản, các thị trường cổ phiếu và trái phiếu trên toàn cầu.
“Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng liệu việc phục hồi hoạt động xây dựng có giúp China Evergrande vượt qua tình trạng khó khăn về vốn hay không”, nhà đầu tư bất động sản Yin Ran (có trụ sở ở Thượng Hải) bình luận.
“2.000 tỷ NDT (tương đương 314 tỷ USD) là một khoản nợ lớn và không dễ giải quyết, nhất là vào thời điểm chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đối với tình trạng đòn bẩy quá mức trong thị trường bất động sản”, vị chuyên gia nói thêm.