Độc lạ ở xứ Trung, xây cả tòa chung cư với thiết bị giám sát tối tân để hạ giá thịt lợn so với các nước khác
Một tòa nhà cao 26 tầng ở làng quê Trung Quốc đã đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc “có một không hai” trên thế giới.
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất, đến mức giá của sản phẩm này được theo dõi chặt chẽ như chỉ số lạm phát chung. Với giá thịt lợn tương đối cao tại Trung Quốc, trong những năm gần đây đã xuất hiện hàng chục trang trại công nghiệp khổng lồ nhằm giúp Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách về giá cả với các nước khác.
Trong nhiều thập kỷ, nhiều hộ gia đình nông thôn đã nuôi lợn thả vườn, không chỉ để lấy thịt mà còn để sử dụng phân bón từ chất thải của chúng. Lợn còn mang ý nghĩa văn hóa, biểu tượng cho sự thịnh vượng đối với người dân Trung Quốc.
Ngạc Châu, một "chung cư lợn" do công ty Chăn nuôi Hiện đại Hubei Zhongxin Kaiwei xây dựng, là một ví dụ điển hình. Tại tòa nhà này, lợn sẽ được giám sát bằng camera bởi các kỹ thuật viên làm việc trong một trung tâm chỉ huy, giống như các kỹ sư của NASA. Mỗi tầng trong tòa nhà đều là một trang trại độc lập, mô phỏng các giai đoạn phát triển khác nhau của lợn con: Khu dành cho lợn mang thai, phòng dành cho lợn sắp đẻ, khu chăm sóc và khu vỗ béo lợn. Hàng ngày, hơn 453.000 kg thức ăn được đưa tới từng tầng thông qua máng ăn hiện đại có thể tự động phân chia thức ăn dựa trên nhu cầu, cân nặng và sức khỏe của lợn.
"Chăn nuôi lợn tại Trung Quốc hiện vẫn đang kém hơn các quốc gia tiên tiến hàng chục năm. Điều này đưa cho chúng tôi cơ hội để cải thiện và bắt kịp", Chủ tịch công ty Zhuge Wenda cho biết.
Theo The New York Times, hoạt động trong "chung cư lợn" này đạt độ chính xác tương đương với một dây chuyền sản xuất iPhone của Foxconn. Thậm chí cả chất thải của lợn cũng được cân đo, tổng hợp và tái sử dụng cho việc nuôi trồng.
"Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với thế giới. Những trang trại lợn cao tầng này sẽ có tác động to lớn", Yu Ping, Giám đốc điều hành của Yu's Design Institute, một công ty thiết kế trang trại lợn, cho biết.
"So với phương pháp chăn nuôi truyền thống, các trang trại lợn cao tầng thông minh hơn, tự động hóa và an toàn sinh học cao hơn. Đồng thời, chúng cũng giúp tiết kiệm tài nguyên đất", một giáo sư tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Brett Stuart, người sáng lập Global AgriTrends, một công ty nghiên cứu thị trường, việc xây dựng các "chung cư lợn" và các trang trại lớn có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm bệnh nghiêm trọng. Nuôi quá nhiều lợn cùng một chỗ làm cho công tác phòng và ngừa bệnh trở nên vô cùng khó khăn. "Vấn đề quan trọng hơn là phương thức sản xuất này có phù hợp với nhu cầu cắt giảm tiêu thụ thịt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hay không", giáo sư nghi hoặc.
Tuy vậy, với sự hỗ trợ từ chính phủ Bắc Kinh, các "chung cư lợn" vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn là hại. Việc tăng nguồn cung chắc chắn sẽ giúp giảm giá thịt lợn so với mức cao nhất vào năm 2019.
"Chính phủ hy vọng rằng việc hợp nhất này sẽ giúp giá cả dễ dự đoán hơn và ổn định hơn theo thời gian. Đó là mục tiêu cuối cùng", Pan Chenjun, Giám đốc điều hành bộ phận nông nghiệp và thực phẩm của RaboResearch nói.
Không chỉ tập trung vào xây dựng "chung cư lợn", Trung Quốc còn phát triển giống heo siêu trọng mới có trọng lượng lên đến 500kg, gần bằng trọng lượng của một con gấu Bắc Cực. Khi bán ra thị trường, một số con heo này có thể đạt giá hơn 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 1.400 USD).
Giống như "chung cư lợn", đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt cho người dân. Các nhà sản xuất thịt quy mô lớn như Wens Foodstuffs Group, Cofco Meat Holdings và Beijing Dabeinong Technology cũng cam kết nỗ lực tăng trọng lượng trung bình của lợn.
Trong quá khứ, khi lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng bắt đầu suy thoái, Hubei Zhongxin Kaiwei đã quyết định đầu tư 600 triệu USD vào trang trại nuôi lợn cao tầng. Họ cũng đã đầu tư 900 triệu USD vào một nhà máy chế biến thịt gần đó.
Với nguồn nhân lực sẵn có, công ty xây dựng một tòa nhà cao tầng để tiết kiệm diện tích đất, sau đó tận dụng nhiệt dư thừa để cung cấp nước nóng và nước uống ấm cho lợn. Theo Hubei Zhongxin Kaiwei, điều này giúp lợn phát triển nhanh hơn và tiêu thụ ít thức ăn hơn.
Trong khi đó, các mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ như nuôi lợn trong sân vườn không thể cạnh tranh với tốc độ phát triển của các "chung cư lợn".
Bà Qiao Yuping (66 tuổi) cùng chồng nuôi khoảng 20 đến 30 con lợn mỗi năm ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Khi giá thịt lợn giảm vào năm ngoái, bà cho biết gia đình gần như không thu được lợi nhuận. Các siêu trang trại đã đẩy giá thức ăn và vaccine cho lợn lên rất cao.
>> Cận cảnh tượng rồng khổng lồ, ma mị ở Huế từng nổi danh trên báo Mỹ trước thời điểm phá dỡ