Thế giới

Đối diện khủng hoảng, loạt cường quốc châu Âu quay lại nhập khẩu kỷ lục khí đốt Nga

Vĩnh Bằng 21/02/2025 13:31

Các nước Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mua cả khí đốt đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bất chấp cam kết loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow.

Hãng thông tấn Nga TASS, trích dẫn số liệu từ Eurostat, cho biết trong tháng cuối năm 2024, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã chi gần 2 tỷ euro để mua khí đốt từ Nga.

Trong đó, 927 triệu euro được chi cho khí đốt qua đường ống, còn 917 triệu euro dành cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là mức nhập khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2023. Lượng mua tăng mạnh trước thời điểm Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1/2025, do Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển.

Theo đó, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu trong tháng 12/2024, chiếm 25,2% thị phần - tăng hơn 6% so với tháng trước. Xếp sau là Algeria, Mỹ và Na Uy. Thêm nữa, nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng 52% so với tháng trước đó và tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đi ngược cam kết, hàng loạt cường quốc châu Âu nhập khẩu khí đốt Nga kỷ lục để tránh cú sốc khủng hoảng - ảnh 1
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu trong tháng 12/2024

Được biết, Pháp và Bỉ lần lượt nhập khẩu 402,9 triệu euro và 137,9 triệu euro LNG từ Nga, trở thành những khách hàng lớn nhất của loại nhiên liệu này. Trong khi đó, Hà Lan nhập khẩu 98,5 triệu euro, giảm 15,5% so với tháng trước.

Trong năm 2024, EU đã mua tổng cộng 7,6 tỷ euro khí đốt Nga qua đường ống và 7,2 tỷ euro LNG. Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những nước nhập khẩu LNG Nga nhiều nhất.

Điều này cho thấy các nước EU tiếp tục mua cả khí đốt đường ống và LNG bất chấp cam kết loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng khẳng định nhu cầu đối với khí đốt Nga vẫn cao, dù có các biện pháp trừng phạt. Ông nhấn mạnh: "Bất chấp những tuyên bố và áp lực trừng phạt, nhiều nước vẫn quan tâm đến khí đốt Nga vì giá cả cạnh tranh và lợi thế về logistics".

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, Nga không còn trung chuyển khí đốt qua Ukraine do thỏa thuận 5 năm giữa Moskva và Kyiv đã hết hiệu lực.

Trước đó, một nửa lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu đi qua tuyến này, phần còn lại được vận chuyển qua đường ống TurkStream chạy qua Biển Đen. Sau khi tuyến trung chuyển qua Ukraine bị dừng, lượng khí đốt đi qua TurkStream đã tăng kỷ lục, đạt 1,56 tỷ m3 trong tháng 1.

Thời gian qua, các nước châu Âu đã nỗ lực tìm kiếm nguồn thay thế cho khí đốt Nga qua đường ống, trong đó có việc tăng cường nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, LNG nhập khẩu từ các nguồn khác có giá cao hơn đáng kể so với khí đốt Nga theo các hợp đồng dài hạn.

Việc cắt giảm hoặc ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể gây ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng cho châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Dù nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, nhiều nước vẫn gặp khó khăn do thiếu hụt năng lượng và giá cả leo thang.

Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu có quan hệ gần gũi với Moskva và phụ thuộc vào khí đốt Nga hơn các nước khác. Chẳng hạn, Hungary đã trở thành trở ngại trong việc EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, do nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ Moskva.

Thực tế cho thấy, dù châu Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga, việc hoàn toàn từ bỏ khí đốt Nga vẫn là một thách thức lớn. Việc tiếp tục nhập khẩu khí đốt, bất chấp các lệnh trừng phạt, phản ánh mức độ gắn kết sâu sắc của châu Âu với nguồn năng lượng từ Moskva.

>> Quốc gia ‘anh em’ với Việt Nam nhận 790.000 thùng ‘vàng đen’ trị giá 55 triệu USD từ Nga

Sức ép bủa vây tứ phía, nhiều lãnh đạo châu Âu muốn nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế

Khí đốt Nga và xe điện Trung Quốc khiến Đức tăng trưởng âm 2 năm liên tiếp?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/di-nguoc-cam-ket-hang-loat-cuong-quoc-chau-au-nhap-khau-khi-dot-nga-ky-luc-de-tranh-cu-soc-khung-hoang-137246.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đối diện khủng hoảng, loạt cường quốc châu Âu quay lại nhập khẩu kỷ lục khí đốt Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH