Đổi đời nhờ sầu riêng, người dân một huyện mua hơn 2.000 ô tô chỉ trong 10 tháng
Đến giữa tháng 10/2024, địa phương này có hơn 10.000 phương tiện đăng ký mới.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có gần 1,8 triệu phương tiện các loại tính đến giữa tháng 10/2024 trên tổng dân số khoảng 2 triệu người. Trong đó, có hơn 1,6 triệu xe mô tô, xe gắn máy; 78.808 xe máy kéo và 102.648 ô tô.
Trong gần 10 tháng đầu năm 2024, ghi nhận trên toàn tỉnh đăng ký mới trên 65.000 phương tiện các loại, riêng ô tô có hơn 6.300 chiếc.
Đặc biệt, huyện Krông Pắk có hơn 10.000 phương tiện đăng ký mới tính đến giữa tháng 10/2024, so với cùng kỳ năm ngoái, đây là một mức tăng đột biến. Trong đó, có 2.118 ô tô, còn lại là xe mô tô, xe máy.
Chia sẻ với PLO, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, huyện Đắk Lắk, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết, nhờ vào giá sầu riêng và các mặt hàng nông sản khác tăng cao, ổn định nên thời gian qua người dân địa phương này mua sắm nhiều ô tô.
Đầu tháng 7/2024, theo UBND huyện Krông Pắk, nhờ trúng sầu riêng nên người dân ở địa phương này đã mua khoảng 400 chiếc ô tô vào năm 2022, 600 chiếc vào năm 2023. Năm nay, do sầu riêng được giá nên con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Krông Pắk được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng, nằm trên tuyến hành lang phía Đông và thuộc vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk.
Lĩnh vực nông nghiệp được xem là lĩnh vực chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện với diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hơn 52.000ha cùng với nhiều loại cây chủ lực như sầu riêng, cà phê,...
Nhờ những lợi thế do thiên nhiên ưu đãi ban tặng như thổ nhưỡng, khí hậu,... cây sầu riêng đang nắm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và bình ổn cuộc sống của người dân.
Hiện nay, toàn huyện có 34 mã vùng trồng sầu riêng được Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với diện tích 2.015ha của 3.761 hộ dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 13 cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động.
Đặc biệt, Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đã mở ra nhiều cơ hội quý giá cho địa phương để phát triển, cải thiện chất lượng của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Sầu riêng không chỉ là một loại trái cây tăng thu nhập cho người dân, giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, mà còn là biểu tượng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế địa phương. Hơn thế nữa, sầu riêng còn trở thành cầu nối giúp Việt Nam khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế. Loại trái cây này không chỉ nâng tầm giá trị nông sản Việt mà còn mở ra những cơ hội xuất khẩu rộng lớn, đưa tên tuổi đất nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế.