Loại quả thuộc 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng ở Việt Nam, làm thay đổi cuộc sống của người dân Trà Vinh
Giá của loại quả này tại vườn dao động khoảng 80 - 150.000 đồng/quả, thậm chí có thời điểm tăng lên 160.000 - 200.000 đồng/quả.
Trà Vinh là tỉnh ven biển phía Đông Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh được biết đến là “Thủ phủ của dừa sáp”, nổi tiếng nhất là tại huyện Cầu Kè.
Cây dừa sáp nguyên bản rất kén đất và khó trồng, mỗi buồng dừa, tỷ lệ ra trái sáp chỉ khoảng 20-30%. Nhờ đặc tính khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, dừa sáp Cầu Kè rất hút khách và có giá trị cao.
Trên địa bàn huyện Cầu Kè diện tích đất trồng dừa sáp đạt hơn 1.000ha, có hơn 2.000 hộ trồng với hơn 171.000 cây. Trung bình hàng năm sản lượng dừa sáp đạt hơn 3 triệu quả.
Hiện nay, giá dừa sáp tại vườn dao động khoảng 80 - 150.000 đồng/quả, thậm chí có thời điểm tăng lên 160.000 - 200.000 đồng/quả. Vì vậy, giá trị kinh tế dừa sáp mang lại cho người nông dân cao gấp 8 lần so với trái dừa thường, đạt khoảng 350.000 - 400.000 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống khấm khá hơn khi trái dừa sáp ngày càng được săn đón.
Hiện nay, để tỷ lệ ra trái sáp cao hơn, đội ngũ nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy phôi, cho tỷ lệ ra trái sáp trên một buồng đạt từ 70-90%.
Bề ngoài của quả dừa sáp khá giống với những quả dừa thường nhưng bên trong cơm rất dày, mềm, béo, dẻo, cùng với một ít nước sệt quánh tạo nên nét đặc trưng và sự hấp dẫn của loại quả này.
Cây dừa sáp đầu tiên ở Việt Nam nay đã chết và được thờ trong chùa Chợ |
Theo Trung tâm danh sách Kỷ lục Việt Nam, tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè chính thức được đưa vào danh sách 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng ở Việt Nam.
Năm 2021, lần đầu tiên 2.000 trái dừa sáp tươi Trà Vinh được xuất khẩu bằng máy bay sang Australia và được bán lẻ với giá khoảng 30-35 đô la Úc/quả, tương đương khoảng 600.000 đồng. Tổng giá trị lô hàng này lên đến 70.000 đô la Úc (khoảng hơn 1 tỷ đồng).
Mới đây, Ban Tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè cho biết, trong dịp lễ hội (từ 28-31/8/2024), tổng doanh thu dịch vụ và tổng mức bán lẻ hàng hóa của huyện Cầu Kè cao gấp 2,5 lần so với Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2023, đạt gần 42 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu dừa sáp đạt trên 10,8 tỷ đồng.
Cũng trong dịp này, khoảng 9.000 quả dừa sáp, 500 cây dừa sáp giống và hàng chục tấn sản phẩm chế biến từ dừa sáp được các nhà vườn huyện Cầu Kè, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa sáp cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) là đơn vị chế biến sâu nhiều sản phẩm từ dừa sáp nhất Việt nam. Trong dịp lễ hội vừa qua, 10 tấn sản phẩm đã được công ty cung ứng cho thị trường với doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng, so với doanh thu bình quân mỗi tháng và doanh thu của dịp lễ hội cùng kỳ năm trước đều cao hơn gấp 3 lần.
Đặc biệt, đây cũng là dịp mở ra cơ hội cho công ty kết nối với nhiều đối tác nước ngoài để cung ứng các sản phẩm chế biến từ dừa sáp và đưa hình ảnh trái dừa sáp vươn xa hơn trên thế giới. Công ty đã thực hiện ký kết thành công 3 hợp đồng xuất khẩu hơn 1,2 tấn kẹo dừa sáp, dừa sáp sấy và sữa chua dừa sáp sang thị trường Mỹ.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, dịp lễ hội đã tạo điều kiện giúp tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp và các hộ trồng dừa sáp, từ đó thắt chặt liên kết từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xuất khẩu, đưa thương hiệu dừa sáp Trà Vinh đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Để phát huy tối đa những hiệu quả trái dừa sáp mang lại, Trà Vinh đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích và chọn giống để tỷ lệ trái sáp cao. Theo kế hoạch đề ra, diện tích trồng dừa sáp sẽ được tỉnh mở rộng lên khoảng 5.000ha.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, nhiều chính sách hỗ trợ các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dừa sáp sẽ được ban hành; đồng thời, tỉnh hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm đối với cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh. Với những chính sách phù hợp, Trà Vinh hướng tới mục tiêu đưa dừa sáp vươn xa trong nước và cất cánh trên thị trường quốc tế.
>> 'Thành phố không ngủ' của Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 6 triệu lượt khách quốc tế
Thanh toán điện tử trong giao thông có bước đi đột phá, người dân được hưởng lợi gì?
Xuất khẩu top đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi tỷ đô để nhập khẩu gạo, nguyên nhân do đâu?