Vĩ mô

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thẳng nhất có thể, vậy tại sao lại ‘vòng’ qua Nam Định?

Phúc Lam 23/10/2024 - 10:20

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao phải đảm bảo thẳng nhất có thể. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này dự kiến sẽ đi qua tỉnh Nam Định.

Nhiều ý kiến cho rằng, hướng tuyến như vậy là đi “vòng”, làm ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và chi phí vận hành khai thác cũng như không đảm bảo đáp ứng được chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua ga Nam Định, toàn tuyến sẽ không phát huy tối đa hiệu quả kết nối. Phương án hướng tuyến nghiên cứu đã có sự hỗ trợ tư vấn quốc tế và đã thỏa thuận thống nhất với các địa phương, trong đó tỉnh Nam Định đã thống nhất phương án tuyến.

Theo tư vấn, ngoài phục vụ nhu cầu vận tải của tỉnh Nam Định, tuyến đường sắt này còn đáp ứng nhu cầu của những địa phương như Thái Bình, một phần phía Đông Nam khu vực Hải Dương, Hưng Yên với quy mô lên tới khoảng 4 triệu dân.

Ngoài ra, vị trí của Nam Định sẽ giúp tuyến kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt. Ngoài tuyến đường sắt hiện tại, trong tương lai sẽ kết nối với tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, ga Nam Định trên tuyến đường sắt hiện tại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hành lang Bắc - Nam với khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Tư vấn nhấn mạnh: “Trường hợp hướng tuyến không đi qua tỉnh Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối, không phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt".

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thẳng nhất có thể, vậy tại sao lại ‘vòng’ qua Nam Định?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Đồng thời, trao đổi với Báo Lao Động, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định, ông Đinh Mai Hưng cho biết, TP. Nam Định là trung tâm phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ với quy mô quy hoạch đến năm 2040 là 600.000 dân. Đồng thời, tỉnh là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng 3 triệu khách/năm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nam Định cũng khẳng định vai trò quan trọng của nhà ga Nam Định. “Nếu điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga sẽ không chỉ phá vỡ hệ thống quy hoạch của tỉnh Nam Định mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân của địa phương và khu vực các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình…”.

Do vậy, UBND đưa đề nghị giữ nguyên hướng tuyến và vị trí nhà ga. “Từ tình hình thực tế của địa phương cũng như khu vực, tỉnh Nam Định đề nghị giữ nguyên phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định như đã được cập nhật vào hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án”.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là một dự án quan trọng, mở ra những cơ hội mới cho đất nước vươn mình phát triển. Tuyến đường sắt này có tổng chiều dài 1.545km, với quy mô đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 ga hàng đi qua 20 tỉnh, thành phố. Ước tính tổng mức đầu tư dự án là 67,34 tỷ USD, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Phấn đấu đến năm 2035 sẽ hoàn thành đầu tư toàn tuyến.

>>Siêu cường châu Á xem xét tham dự siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam của Việt Nam: Dẫn đầu thế giới về độ an toàn và chính xác

Sắp diễn ra thời khắc lịch sử quan trọng của siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Thành phố giàu nhất Việt Nam đề xuất vận hành đường sắt đô thị theo mô hình Tổng công ty của Trung Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-phai-thang-nhat-co-the-vay-tai-sao-lai-vong-qua-nam-dinh-255462.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thẳng nhất có thể, vậy tại sao lại ‘vòng’ qua Nam Định?
    POWERED BY ONECMS & INTECH