Đón sóng FDI, những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nào sẽ hưởng lợi?
Tình hình các ông lớn bất động sản khu công nghiệp ra sao trước dòng chảy đầu tư FDI
Ngày 24 -8, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp (BĐS CN) Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề "Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới" do báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thông tin tại diễn đàn cho thấy đang có nhiều tín hiệu tích cực về làn sóng các nhà đầu tư “ong chúa” ở các nước trên thế giới tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam đầu tư. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7-2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 13,43 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản là một điểm sáng khi thu hút được 1,53 tỉ USD, giữ vị trí thứ 3 trong các ngành, lĩnh vực.
Trong tâm thế dọn tổ cho “đại bàng”, 3 ông lớn bất động sản khu công nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn nhất chuẩn bị ra sao
Becamex sở hữu diện tích đất thương phẩm dồi dào
Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BecamexIDC - HSX: BCM) là chủ đầu tư sở hữu 942ha đất thương phẩm khu công nghiệp (KCN) và 1.000ha bất động sản dân cư tập trung tại tỉnh Bình Dương. Được mệnh danh là “trùm” đứng đầu về đất công nghiệp ở Bình Dương và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc.
Nếu cộng thêm các công ty liên kết sở hữu 18 KCN với tổng diện tích hơn 11.400ha thì BCM là chủ đầu tư bất động sản (BĐS) công nghiệp lớn nhất Việt Nam với 12,4% thị phần. Tính đến cuối năm 2022, công ty có 942ha diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê, khá lớn so với các chủ đầu tư KCN đang niêm yết trên thị trường.
Một số khu công nghiệp bất động sản tiêu biểu của Becamex có thể kể đến là KCN Mỹ Phước với quy mô 4.500ha, khu công nghiệp Bàu Bàng với quy mô 2.000ha, đặc biệt là các khu công nghiệp mang thương hiệu VSIP - liên doanh đóng góp lớn vào lợi nhuận của BCM như VSIP Bình Dương với 3.545ha, VSIP Hải Phòng với 1.600ha, VSIP Bắc Ninh với 1.700ha,...
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận ròng liên tục tăng giai đoạn 2015 – 2019 nhưng sụt giảm trong giai đoạn dịch bệnh đến nay. Nửa đầu 2023, Becamex IDC ghi nhận doanh thu đạt 1.885 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng doanh thu 9.560 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.263 tỷ đồng; lần lượt tăng 19% và 32% so với thực hiện 2022. Do kỳ vọng vào khoản lãi đột biến nửa cuối năm nếu hoàn thành thương vụ bán đất nền với Capitaland và nhận cổ tức từ VSIP.
Kinh Bắc City đã chuẩn bị các quỹ đất để sẵn sàng hoạt động trong suốt 10 năm
Hiện nay, Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (HSX: KBC) có 24 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước và sở hữu quỹ đất công nghiệp với 6.386ha. Hơn 21 năm hoạt động, các dự án KCN của KBC luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 4.551 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.068 tỷ đồng, lần lượt gấp 4,2 lần và 10,3 lần kết quả cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, công ty đã thực hiện được lần lượt 51% kế hoạch doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý II/2023, KBC có 185ha đất đã cam kết cho thuê với một số khách hàng, trong đó, đã bàn giao 128ha trong 6 tháng đầu năm. Trong nửa cuối năm 2023, Ban lãnh đạo của KBC dự kiến sẽ bàn giao gần 100 ha tại KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh. Đồng thời, Công ty cũng kỳ vọng sẽ bàn giao đất tại Khu đô thị Phúc Ninh sau khi hoàn tất nộp tiền sử dụng đất. Kỳ vọng, KBC có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm nay, cụ thể là 9.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 157% và 154% so với cùng kỳ năm 2022
KBC đang cho thuê đất khu công nghiệp với giá cao hơn, tăng từ 50 - 100%, song nhà đầu tư nước ngoài vẫn thuê. Gần đây, KBC nhắm vào thu hút các doanh nghiệp và sản xuất chíp và ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT tin rằng các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực này sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nên các khu công nghiệp chắc chắn tốt.
Viglacera với quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc
Phần diện tích KCN thương phẩm còn lại của Tổng Công ty Viglacera - Công ty Cổ phần (Viglacera - VGC) ước tính khoảng 1.139ha. Tỉnh Bắc Ninh gần với tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Các KCN tại Bắc Ninh nói chung cũng như KCN của VGC tại Bắc Ninh nói riêng, đều ưu tiên phát triển các ngành chế biến chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
Hiện VGC đang trong giai đoạn đàm phán 2 hợp đồng lớn thuê KCN, đó là Tập đoàn BYD dự kiến thuê khoảng 40ha tại Phú Hà để đầu tư sản xuất linh kiện điển tử và Geleximco ký MOU xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Tiền Hải với quy mô 50ha.
Lĩnh vực bất động sản KCN cũng là mảng kinh doanh chủ chốt đóng góp vào kết quả kinh doanh Quý 3 và 9 tháng đầu năm 2023 của Viglacera, với ước thực hiện lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2023 là 1.800 tỷ đồng - hoàn thành 133% kế hoạch năm, tăng 389 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. TheoChứng khoán Bảo Việt (BVSC) doanh thu từ mảng BĐS Khu công nghiệp sẽ còn tăng mạnh trong năm 2024 nhờ tăng diện tích cho thuê lên 250ha (tăng 35% so với cùng kỳ)
Có thể thấy, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam rất năng động và tiềm năng. Theo Colliers, với những lợi thế về pháp lý, thủ tục đầu tư cũng như cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy cho nhiều nhà đầu tư đầu tư mạnh dạn hơn vào thị trường bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp.
"Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử chọn Việt Nam là điểm đến. Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp còn chứng kiến sự quan tâm liên tục từ các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và hàng tiêu dùng. Một số tên tuổi lớn có thể kể ra như tập đoàn P&G, Tập đoàn Polaris, Tập đoàn Quanta Computer (Đài Loan, Trung Quốc)..." - chuyên gia cho hay.