Dòng tiền tỷ USD giúp SSI, VND, VIX… hồi mạnh, KBSV nói định giá nhóm chứng khoán vẫn chưa rẻ
Sau 3 phiên, các cổ phiếu ăn khách nhóm chứng khoán như SHS, VIX, VCI, VNDirect, SSI đã tăng từ 17-22%.
![]() |
Cổ phiếu VIX hồi phục Top đầu nhóm chứng khoán sau 3 phiên |
Kết phiên giao dịch 14/4, VN-Index tiếp tục tăng thêm 19 điểm, đóng cửa tại 1.241 điểm. Đà tăng chủ yếu đến từ phiên chiều khi lực bán chốt lời ngắn hạn suy yếu, trong khi bên mua đẩy giá mạnh mẽ hơn. Sau ba phiên hồi phục, thị trường đã tăng tổng cộng 150 điểm, đi kèm thanh khoản tăng vọt lên mức hàng tỷ USD mỗi phiên.
Nổi bật trong đà tăng lần này là nhóm cổ phiếu chứng khoán – ngành đang hưởng lợi kép từ thanh khoản lớn và kỳ vọng vào việc vận hành hệ thống KRX trong tháng 5 tới. Chỉ còn ba mã giảm giá trong toàn bộ nhóm, trong khi gần 30 mã tăng trên 1%. VIX đóng cửa kịch trần với thanh khoản đứng thứ sáu toàn thị trường. Các mã lớn như SSI, HCM, VCI, VND đều tăng mạnh từ 2% đến hơn 6%, với thanh khoản mỗi mã hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, loạt cổ phiếu chứng khoán từng rơi vào trạng thái “lau sàn” liên tiếp bốn phiên đầu tháng 4 do tác động từ thông tin Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, nhóm này đã hồi phục từ 50-75% giá trị sau nhịp giảm điểm, nhờ Mỹ tạm hoãn áp thuế trong thời hạn 90 ngày. Các cổ phiếu ăn khách như SHS, VIX, VCI, VNDirect, SSI đã tăng từ 17-22% sau 3 phiên.
Dù vậy, theo đánh giá mới nhất của Chứng khoán KBSV, định giá hiện tại của cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn chưa hấp dẫn. Dưới góc độ định lượng, giá cổ phiếu đã phục hồi nhanh hơn triển vọng cơ bản, trong khi rủi ro từ chính sách thuế quan và tăng trưởng lợi nhuận chưa có nhiều cải thiện rõ nét.
KBSV nhấn mạnh, diễn biến tiêu cực từ yếu tố thuế quan khiến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán trong năm 2025 không rõ ràng. Nhà đầu tư có thể chọn lọc cổ phiếu có lợi thế về khách hàng tổ chức, tiềm lực tài chính mạnh và đang chiết khấu sâu quanh vùng -1 độ lệch chuẩn P/B trung bình 5 năm như VCI, HCM, SSI để tìm kiếm tỷ suất sinh lời tốt.
Dưới góc nhìn vĩ mô, KBSV duy trì kỳ vọng Việt Nam có thể được FTSE Russell quyết định nâng hạng trong kỳ tháng 9/2025 và chính thức được đưa vào rổ chỉ số thị trường mới nổi trong năm 2026. Theo ước tính, sự kiện nâng hạng có thể giúp thu hút khoảng 136.000 tỷ đồng vốn ngoại từ các quỹ ETF và quỹ chủ động. Những công ty chứng khoán có thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài lớn như SSI, HCM, VCI sẽ được hưởng lợi rõ nét.
Tuy nhiên, để hoàn tất lộ trình nâng hạng, Việt Nam vẫn cần cải thiện các tiêu chí kỹ thuật như chu kỳ thanh toán (DvP), xử lý giao dịch thất bại và minh bạch trong giới hạn sở hữu nước ngoài. Đây là những yếu tố FTSE Russell từng đánh giá là "hạn chế" trong kỳ công bố tháng 3 vừa qua.
Ở chiều ngược lại, một số báo cáo thị trường như của Chứng khoán BSC lại cho rằng mặt bằng định giá của nhóm chứng khoán hiện đã rơi về vùng hấp dẫn. P/B của các cổ phiếu đầu ngành như SSI, HCM, VCI, MBS hiện chỉ dao động trong khoảng 1,5x–1,8x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 2,3x. Thị trường vẫn đang được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, thanh khoản cải thiện và kỳ vọng nâng hạng, dù rủi ro từ chính sách thương mại toàn cầu chưa thể loại trừ.
Trong bức tranh nửa sáng – nửa tối ấy, nhà đầu tư buộc phải thận trọng hơn với cổ phiếu chứng khoán: Hồi phục đã rõ, nhưng hấp dẫn thì chưa chắc.
>> Hé lộ kết quả kinh doanh quý I/2025 của hơn 10 doanh nghiệp