Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất TP. HCM hơn 17.000 tỷ chính thức đạt mốc quan trọng
Dự kiến trong quý II/2025, các địa phương sẽ bàn giao 100% mặt bằng để triển khai thi công trước ngày 2/9.
Thông tin trên Cổng TTĐT Chính phủ cho biết, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM (BQL) phối hợp với UBND quận Gò Vấp, Bình Thạnh và các đơn vị liên quan tổ chức lễ khởi công Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.
Theo đó, tổng chiều dài tuyến rạch dài 8,8km, trong đó tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,6km và 3 tuyến nhánh gồm Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu dài 2,2km.
>> Việt Nam sẽ có nhà ga hiện đại bậc nhất thế giới, tọa lạc tại TP đảo đầu tiên của cả nước

Dự án cải tạo gồm việc xây dựng tuyến kè bảo vệ, nạo vét lòng rạch, xây dựng hệ thống thoát nước thải và nước mưa, đồng thời làm đường giao thông dọc 2 bên rạch với 2 làn xe mỗi bên; xây dựng mảng xanh, công viên, hệ thống chiếu sáng...
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm gồm 3 gói thầu xây lắp: XL-01; XL-02; XL-03.
Ngày 10/5, gói thầu số 3 - một trong 3 gói xây lắp chính của dự án đã được khởi công trước do đã đủ điều kiện về mặt bằng.
Gói thầu số 3 chủ yếu đi qua địa bàn quận Gò Vấp với chiều dài 1,4km, từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật. Trong đó 2 gói còn lại đều thuộc địa bàn quận Bình Thạnh với khối lượng giải tỏa mặt bằng rất lớn: Hơn 2.000 hộ dân và tổ chức.

Hiện nay, quận Bình Thạnh đang tiến hành công tác bồi thường, mục tiêu trước ngày 2/9 sẽ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai.
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đang được TP. HCM triển khai với quy mô lớn, nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm, cải thiện chất lượng sống và tạo diện mạo mới cho khu vực nội thành.
Theo kế hoạch, lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét với độ sâu 3,5 m, mặt cắt ngang rộng từ 20 đến 30 m. Đồng thời, hệ thống thu gom nước thải và nước mưa sẽ được xây dựng dọc tuyến nhằm đảm bảo thoát nước, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tái diễn.

Dự án cũng bao gồm việc xây dựng tuyến đường ven kênh ở hai bên bờ, mỗi bên gồm hai làn xe rộng 6m, vỉa hè rộng từ 3 đến 4m, kết hợp hệ thống chiếu sáng, công viên và các mảng xanh phục vụ cộng đồng.
Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Ông Đậu An Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM cho biết việc cải tạo rạch Xuyên Tâm là mong mỏi suốt nhiều năm qua của người dân sinh sống quanh khu vực. Đây là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống đô thị.
"Việc nạo vét, kết hợp xây dựng hệ thống thoát nước, đường ven kênh, công viên... không chỉ giúp cải thiện môi trường sống mà còn mở ra các không gian công cộng chất lượng cho người dân", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, dự án được xác định là một trong những công trình trọng điểm của thành phố, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm, vừa nâng cao chất lượng sống, đồng thời tạo ra diện mạo đô thị khang trang, văn minh cho khu vực nội đô.
Trước đây, TP. HCM từng dự kiến triển khai dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP) với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, phương án này không được thực hiện.
Tháng 8/2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đến năm 2022, HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư, sau đó tiếp tục điều chỉnh vào tháng 9/2024 nhằm phù hợp với các quy định mới của Luật Đất đai, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Rạch Xuyên Tâm có chiều dài gần 9km, chảy qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Đây là con rạch bị ô nhiễm nặng nhất trên địa bàn TP. HCM trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được HĐND TP. HCM phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2022 với tổng mức đầu tư ban đầu là 9.664 tỷ đồng.
Đây là một dự án nhóm A, được xác định là công trình trọng điểm, cấp bách của thành phố với ý nghĩa lớn về xã hội và môi trường, đặc biệt trong việc cải thiện hệ thống thoát nước, chống ngập, xử lý ô nhiễm kênh rạch và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, khiến chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng mạnh.
Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh từ 9.664 tỷ đồng lên 17.230 tỷ đồng (tăng thêm 7.565 tỷ đồng so với trước đó).