Tập đoàn Điện lực Việt Nam chi gần 4.000 tỷ ‘lên đời’ nhà máy thủy điện hơn 30 năm tuổi
Địa phương đã cho doanh nghiệp thuê đất, thực hiện dự án nhà máy thủy điện mở rộng với tổng vốn thực hiện gần 4.000 tỷ đồng.
Theo báo Lao Động, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê 208.619m2 đất (gần 21ha) để triển khai dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng tại xã Trị An (xã Hiếu Liêm cũ), huyện Vĩnh Cửu. Trong đó, diện tích sử dụng vĩnh viễn là 154.838,9m2, diện tích sử dụng tạm thời là 53.789,1m2.
Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020, điều chỉnh lần 2 vào năm 2024. Dự án thuộc loại công trình công nghiệp nhóm A, có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy công suất 200MW. Đây là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải tiêu dùng ngày càng tăng cao và tận dụng lượng nước xả thừa vào mùa lũ.

Nhà máy Thủy điện Trị An hiện hữu được xây dựng từ năm 1991 với 4 tổ máy công suất 400MW, sản lượng điện trung bình hơn 1,7 tỷ kWh/năm. Công trình đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho 16 tỉnh, thành phía Nam, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp và tưới tiêu cho hơn 20.000ha đất nông nghiệp khu vực hạ lưu.
>> Tỉnh sau sáp nhập sẽ là trung tâm kim loại quý lớn nhất Việt Nam - 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới
Việc mở rộng công suất được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng huy động phụ tải khu vực miền Nam, cải thiện chế độ vận hành hệ thống điện, đặc biệt trong giờ cao điểm, góp phần giảm chi phí sản xuất điện cho cả nước.
Trước đó, vào tháng 12/2024, EVN đã khởi công xây dựng cầu Hiếu Liêm, hạng mục quan trọng phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng. Cầu có chiều dài 249,5m, rộng 9m, được phê duyệt là công trình cấp II.
Ngoài chức năng vận chuyển vật tư, thiết bị trong quá trình thi công, sau khi dự án hoàn thành, cầu Hiếu Liêm sẽ tiếp tục phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương, tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Việc giao đất cho EVN triển khai dự án là bước đi cụ thể trong lộ trình thực hiện, mở ra kỳ vọng lớn về nguồn năng lượng bổ sung, đồng thời góp phần phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội tại địa phương.
>> Tỉnh sở hữu ‘thị trấn du lịch hàng đầu thế giới’ sắp có nhà máy sản xuất 600.000 tấn thép/năm