Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Cân nhắc kỹ lưỡng, giải trình thấu đáo
Một trong những nội dung quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Nhấn mạnh đây là vấn đề mới, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng, giải trình thấu đáo, xây dựng các quy định phù hợp, khả thi, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đủ cơ sở thực hiện
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, đã có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Hiện nay, vấn đề đáng quan tâm nhất của công nhân là nhà ở. Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư phù hợp với quy định của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; đồng thời giải quyết vấn đề bức xúc về nhà ở của người lao động.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” tại Quyết định 655/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã là chủ đầu tư, triển khai một dự án nhà ở xã hội. Quá trình vận hành, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, không phát sinh vấn đề lớn. Sau này, Quyết định 1729/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ- TTg cũng nhận được sự ủng hộ của các địa phương. Hiện nay, 36 địa phương đã giới thiệu địa điểm cho Tổng Liên đoàn Việt Nam triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. "Do vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ niềm tin và cơ sở triển khai thực hiện", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, bức xúc nhất của công nhân lao động là vấn đề nhà ở. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh "5 không": không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, không cơ sở y tế và không có điều kiện để sinh hoạt. "Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay đòi hỏi chúng ta phải hành động, trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện các quy định liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà lưu trú trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)", đại biểu Trần Văn Khải chỉ rõ.
Đối với băn khoăn từ thực tế thực hiện Quyết định 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Văn Khải cho biết, từ năm 2017, khi đề xuất Đề án này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã họp Ban Chấp hành và có một nghị quyết về tiết giảm, điều chỉnh tỷ trọng chi hành chính và các hoạt động, phong trào không cần thiết để tập trung các nguồn lực nhằm triển khai xây dựng nhà ở công nhân, coi đây là một hình thức chăm lo thiết thực nhất đối với công nhân lao động. Từ năm 2017 đến 2020, thực hiện nghị quyết này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiết kiệm trên toàn hệ thống được hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, số vốn này vẫn đang giữ nguyên để chờ cơ chế triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập một quỹ đầu tư, với nguồn vốn hiện khoảng 5.800 tỷ đồng.
"Như vậy, về nguồn lực, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chuẩn bị hết sức nghiêm túc, khẩn trương và quyết tâm cho việc này", đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thiết chế Công đoàn đến nay chưa thực hiện được không phải do thiếu tính chủ động, mà nguyên nhân chính là do chưa được quy định trong luật là chủ đầu tư dự án nên chưa được giao đất. "Đây cũng là nguyên nhân khiến các dự án mới có chủ trương chứ chưa được giao đất. Vì vậy, công nhân lao động hiện vẫn chờ và vẫn có thể phải chờ mãi nếu như chúng ta không đưa ra quyết định cuối cùng", đại biểu nêu quan điểm.
Không "vênh" với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Ở góc nhìn khác, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân rất khó khả thi. Mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng không nhất thiết phải là chủ đầu tư. Công đoàn không có chức năng kinh doanh, nên quy định sẽ không phù hợp và có thể gây ra những quan ngại.
Bày tỏ quan điểm không tán thành với quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, dự án nhà ở xã hội công nhân có số lượng lớn, khu công nghiệp trong cả nước rất nhiều. Nếu Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nguồn lực sẽ lấy từ nguồn thu phí Công đoàn, do vậy sẽ có hạn. "Tổng Liên đoàn Lao động lo cho công nhân nhiều mặt khác, chứ không riêng chuyện nhà ở. Cần nghiên cứu lại, không khéo mất cán bộ", đại biểu băn khoăn.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết tâm thực hiện chính sách làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, cần chỉnh lý lại cho phù hợp với pháp luật có liên quan. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư quy định các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị - xã hội rất rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.
"Nếu vẫn giữ chính sách này, nên chỉnh lý lại theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, làm việc tại các khu công nghiệp... thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tức là phải thông qua doanh nghiệp chứ không phải bản thân Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra làm việc này". Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục cân nhắc, trao đổi thêm về quy định này, "dù có đi nữa, không thể để vênh với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư".
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi) và bế mạc Phiên họp thứ 25
Bộ Xây dựng đề xuất hàng loạt chính sách mới về phát triển nhà ở