Dự án nghìn tỷ nào tại Hà Nội ‘mọc lên’ để giảm ùn tắc nhưng lại khiến giao thông ì ạch hơn chỉ vì chậm tiến độ?
Trong quá trình thực hiện, dự án nghìn tỷ này đã gặp rất nhiều khó khăn nên khối lượng thi công hiện chỉ đạt khoảng 40%.
Dự án đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng năm 2010, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.
Năm 2014, Sở GTVT TP. Hà Nội thực hiện ủy quyền của thành phố ký hợp đồng xây dựng chuyển giao (hợp đồng BT) với Liên danh CTCP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà. Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 04/TTg-KTN về việc triển khai thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội theo hình thức hợp đồng BT. Nội dung văn bản có nêu “Đồng ý việc UBND TP. Hà Nội giao dự án khác (là dự án do nhà đầu tư thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng BT) để nhà đầu tư thực hiện đồng thời với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án này gặp rất nhiều khó khăn nên khối lượng thi công hiện chỉ đạt khoảng 40%.
Khó khăn đầu tiên, dự án chưa được gia hạn thời gian thực hiện, chưa được gia hạn hợp đồng BT, công tác thi công phải tạm dừng kéo dài, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Cụ thể, hợp đồng BT đã hết thời hạn từ ngày 30/6/2018, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng BT đến 31/12/2019.
Ngày 10/2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đã có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội về việc đề nghị gia hạn thời gian thực hiện dự án và gia hạn hợp đồng BT dự án đường Vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng - Quốc lộ 1A), quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng BT. Tuy nhiên, đến nay, hợp đồng BT vẫn chưa được gia hạn theo quy định.
Thứ hai, liên danh nhà đầu tư chưa được xác nhận giá trị thực hiện của dự án và chưa được thanh toán hợp đồng BT.
Theo đó, mặc dù dự án BT đường Vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A) đã được triển khai hơn 10 năm nay và đầu tư số tiền gần 574 tỷ đồng nhưng liên danh nhà đầu tư vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thanh toán, giao đất để thực hiện dự án đối ứng thu hồi vốn theo hợp đồng BT.
Cuối cùng, công tác quản lý mặt bằng gặp nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn chưa hoàn thành đầy đủ. Tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng của các hộ dân có nhiều diễn biến phức tạp.
Việc dự án đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) đã chậm tiến độ nhiều năm gây lãng phí rất lớn cho xã hội về thời gian và tiền bạc. Môi trường xung quanh bị ô nhiễm do thường xuyên bị tắc đường, bụi bẩn, rác thải bị đổ trộm ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong khu vực.