Dự án tuyến đường sắt đô thị gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội có chuyển biến mới

07-06-2024 17:20|Quốc Chiến

Sau 14 năm thi công, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị này là sự mong đợi của tất cả 8,4 triệu người dân Thủ đô.

Mới đây, 10 đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Đây là một cột mốc quan trọng, đảm bảo các đoàn tàu đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và môi trường, đủ điều kiện vận hành trên đường sắt.

10 đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận

10 đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận

Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là chứng chỉ xác nhận phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện đã được kiểm tra theo quy định hiện hành.

Hiện 10 đoàn tàu của đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được dán tem kiểm định, là biểu trưng cấp cho phương tiện giao thông đường sắt đã kiểm định đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan.

>> Điểm danh loạt 'bàn đạp' phát triển của tỉnh có đến 90% là đồi núi

Tùy vào loại phương tiện giao thông đường sắt mà vị trí dán tem kiểm định sẽ khác nhau. Đối với đầu máy, phương tiện chuyên dùng: tem được dán ở mặt trong, góc trên, ngoài cùng phía bên phải của kính (nhìn từ vị trí người lái tàu) hoặc ở vị trí dễ quan sát. Đối với toa xe khách và toa xe đường sắt đô thị: tem được dán ở trong toa xe tại đầu số 1 ở vị trí dễ quan sát.

Được biết, dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng.

Với chủ đề "Hành trình xanh", đoàn tàu gồm ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng. Phần đầu tàu với với biểu tượng Khuê Văn Các tạo nên một dấu ấn riêng của Thủ đô.

Đoàn tàu là một trong những sản phẩm hiện đại của Alstom, trang bị đầy đủ các tiện nghi như: Điều hòa không khí, thông gió, hệ thống phát thanh hành khách, hệ thống camera, hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm...

Nội thất bên trong tàu với các gam màu sáng cùng hệ thống đèn LED ánh sáng trắng sẽ luôn tạo cảm giác thoáng đãng, mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho hành khách khi ở trên tàu.

Đặc biệt, đoàn tàu sử dụng giải pháp tín hiệu điều khiển tàu CBTC (Communication-Based Train Control) có tên URBALIS, là giải pháp tiên tiến của Alstom với các ưu điểm như: Cấu trúc hệ thống điều khiển linh hoạt; Tối ưu hóa độ an toàn; và Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ cho hành khách không bị gián đoạn.

Cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa kéo), với 3 toa/4 toa sử dụng động cơ xoay chiều 3 pha, giá chuyển hướng lò xo không khí lắp đặt để tăng cao độ tin cậy khi vận hành. Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 944-1124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng từ 6.6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h, tốc độ thiết kế 80km/h.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - Ga Hà Nội dài 4km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là năm 2027.

Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 34.826 tỷ đồng.

Sau 14 năm thi công xây dựng, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị này là sự mong đợi của tất cả 8,4 triệu người dân Thủ đô.

Như vậy, thời gian tới, nhiều người dân tại thủ đô Hà Nội ngoài đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì sẽ được tiếp tục sử dụng thêm một tuyến đường sắt đô thị nữa đó là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong những dự án giao thông quan trọng của TP. Hà Nội, với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện hệ thống vận tải công cộng và góp phần bảo vệ môi trường.

>> Nghịch cảnh thị trường bất động sản: Nguồn cung mới giảm trong khi tỷ lệ hấp thụ tăng cao

Doanh nghiệp chi 94.000 tỷ làm cao tốc có bước ngoặt với dự án 2.000 tỷ ‘nắn thẳng’ cung đường sắt đẹp nhất thế giới

Cần 837.000 tỷ hoàn thiện 164km đường sắt đô thị, TP. HCM đề xuất Trung ương thay đổi điều tiết ngân sách

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/du-an-tuyen-duong-sat-do-thi-gan-35000-ty-dong-tai-ha-noi-co-chuyen-bien-moi-d124533.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự án tuyến đường sắt đô thị gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội có chuyển biến mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH