Dự đoán 2024: Lãi suất diễn biến ra sao sau khi phá đáy lịch sử?
Lãi suất tiền gửi ngân hàng 2023 đang ở mức thấp kỷ lục. Giới phân tích nhận định, lãi suất huy động đã gần đáy và sẽ nhích dần lên trong năm 2024.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống đáy
Sau nhiều tháng liền điều chỉnh giảm, trong những ngày cuối năm 2023, lãi suất huy động vẫn tiếp tục xu hướng giảm, hiện đang xuống “đáy”.
Ngày 28/12, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống mức rất thấp. Theo thống kê kể từ đầu tháng 12 đến nay đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
>> Lãi suất huy động thấp kỷ lục, cho vay vẫn cao ngất ngưởng khiến triệu tỷ đồng 'đắp chiếu'
Hàng loạt nhà băng như: MB, Vietcombank, TPBank, VietinBank, MSB, Eximbank, SCB, Techcombank, VPBank, KienlongBank, Agribank, ACB là những ngân hàng đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng.
Có một số ngân hàng như BIDV, Agribank, VPBank và SCB đã có tới 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong tháng này. Thậm chí, VIB đã giảm lãi suất huy động tới 4 lần.
Lãi suất tiết kiệm hiện nay ở mức thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19. Mức lãi tiết kiệm 1,9%/năm - mức thấp kỷ lục trong lịch sử - đã xuất hiện.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng 2023 xuống đáy |
Vietcombank là nhà băng đầu tiên giảm lãi huy động về mức 1,9%/năm. Mới đây, SCB cũng đã đưa lãi huy động kỳ hạn 1-2 tháng xuống 1,9%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm ở mức thấp kỷ lục. Tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở một số ngân hàng quốc doanh đã xuống dưới mốc 5%/năm. Các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng, lãi suất tiền gửi chỉ từ 1,9-2,6%/năm.
VietinBank, Vietcombank và Agribank là 3 trong 4 ngân hàng có mạng lưới giao dịch và số lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống. Do đó, việc các nhà băng này giảm lãi suất sẽ thúc đẩy các động thái tương tự tại các ngân hàng trong hệ thống, có thể kéo mặt bằng lãi suất huy động giảm thêm.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, mặt bằng lãi suất cũng không ngừng đi xuống. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần cũng thu hẹp, thay vì ở mức 2-3 điểm % trước đây, giờ chỉ còn dưới 2 điểm %.
Lãi suất tiết kiệm xuống mức siêu thấp khiến nhiều người gửi tiền băn khoăn không biết chọn kỳ hạn nào cho phù hợp vì tiền lãi các kỳ hạn 6-12 tháng trở lên không chênh lệch quá lớn. Các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất cũng giảm sâu.
Ngay một số ngân hàng quy mô nhỏ, khoảng 1 năm trước huy động lãi suất 9-10%/năm, thời điểm này cũng chỉ còn quanh 5-5,5%/năm.
Từng huy động lên tới gần 10%, SCB vừa giảm lãi suất tiền gửi dưới 12 tháng xuống còn 3,25%, thấp hơn cả Agribank, VietinBank và BIDV.
Theo các chuyên gia, do tăng trưởng tín dụng rất chậm nên các ngân hàng không gặp phải áp lực huy động vốn, dẫn đến việc liên tục hạ lãi suất huy động.
Thông tin mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất huy động hiện nay đang là mức rất thấp, phần nhiều do nhu cầu vốn trong nền kinh tế còn yếu khiến các ngân hàng không có nhiều áp lực trong huy động - tránh được tình trạng cạnh tranh huy động bằng lãi suất - vốn thường thấy trong những giai đoạn nền kinh tế sôi động ở các năm trước.
Tương tự, Chứng khoán MBS cho biết, cầu tín dụng thấp cho thấy năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp và người dân chưa lạc quan về triển vọng kinh tế cũng như lãi suất cho vay còn neo ở mức cao chưa kích thích nhu cầu sử dụng vốn.
Tương lai của lãi suất ngân hàng vào năm 2024
Từ những tín hiệu tích cực, các chuyên gia dự báo cầu tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm 2024, dẫn đến nguy cơ ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nếu dòng tiền ra khỏi ngân hàng nhiều hơn chảy vào. Điều đó có thể buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn.
Lãi suất tiền gửi hiện nay đã gần đáy và sẽ nhích dần lên trong năm 2024, theo tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất huy động trong năm 2024 sẽ tương đối khiêm tốn.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2024 vì nhu cầu huy động vốn cũng như cầu về tín dụng không cao. Lãi suất huy động khó giảm thêm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm tiếp. Nhìn chung, lãi suất ngân hàng giai đoạn đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp và có thể giảm chút. Sau đó, khi hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, nhu cầu vốn tăng, có thể lãi suất ngân hàng cũng sẽ tăng.
Bên cạnh đó, MBS cũng cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong Q1/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 – 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13 – 14%.
MBS dự đoán rằng lãi suất đầu vào có thể tạo đáy trong Q1/2024 |
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024.
Chứng khoán VDSC dự báo lãi suất huy động có thể nhích dần lên trong năm 2024, theo cùng tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,25-0,5%, quay về mức 5,25-5,5% trong năm 2024.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và còn ít dư địa để giảm thêm. Trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, mức lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay cần được giữ vững, để kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing, ở kỳ hạn 6-12 tháng, lãi suất huy động từ 5%/năm trở lên là phù hợp, cao hơn định hướng lạm phát của năm sau là 4-4,5%, bảo đảm sinh lời cho người gửi tiền. Các ngân hàng phải duy trì lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát để thu hút người dân gửi tiết kiệm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhìn nhận: lãi suất tiền gửi đã giảm quá sâu và khó giảm thêm. Bởi nếu ngân hàng để lãi suất giảm xuống mức âm so với lạm phát sẽ làm xói mòn tiền gửi tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế. Lãi suất cho vay của năm 2024 sẽ giảm theo mức độ sụt giảm của lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây.
Lãi suất liên ngân hàng vọt tăng trở lại
ABBank 'ngược dòng' toàn ngành, điều chỉnh tăng lãi suất huy động