Du học Canada: Đầu tư tiền tỷ, nhận mức lương gây thất vọng
Báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada (Statistics Canada) cho thấy du học sinh tại Canada có mức lương thấp hơn đáng kể so với sinh viên bản địa sau khi tốt nghiệp, đặc biệt ở bậc đại học và thạc sĩ.
Theo dữ liệu thống kê, cử nhân người nước ngoài tại Canada có mức thu nhập trung bình khoảng 52.000 CAD/năm, thấp hơn 20% so với sinh viên bản địa (65.200 CAD/năm). Ở bậc thạc sĩ, mức chênh lệch này là 16,6%, với mức thu nhập trung bình của du học sinh là 70.000 CAD/năm so với 83.000 CAD của sinh viên trong nước. Tương tự, ở bậc tiến sĩ, sinh viên quốc tế kiếm trung bình 83.900 CAD/năm, trong khi con số này với sinh viên Canada là 90.000 CAD. Riêng ở bậc cao đẳng, sự chênh lệch vẫn tồn tại nhưng ít hơn, với mức lương trung bình của sinh viên bản địa là 53.000 CAD/năm, so với 45.000 CAD của du học sinh.
Dưới đây là số liệu cụ thể về thu nhập trung bình của sinh viên trong nước và du học sinh sau ba năm tốt nghiệp:
![]() |
Sự chênh lệch giữa mức lương của du học sinh và sinh viên bản địa Canada. Nguồn: Statistics Canada |
Theo Brittany Etmanski, tác giả báo cáo của Statistics Canada, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch thu nhập là do ngành nghề mà du học sinh lựa chọn. Ở bậc cử nhân, sinh viên quốc tế có xu hướng làm việc trong các lĩnh vực như bán hàng (sale) và dịch vụ - vốn có mức thu nhập thấp hơn so với các ngành nghề khác. Điều này khiến cho tổng thể mức lương của họ thấp hơn so với sinh viên trong nước.
Tuy nhiên, nguyên nhân này không thể áp dụng đối với nhóm có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Báo cáo cho thấy gần 50% du học sinh ở nhóm này làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng – một lĩnh vực có mức thu nhập cao, trong khi chỉ 20% sinh viên bản địa theo đuổi các ngành này. Do đó, nếu xét về lĩnh vực làm việc, có thể thấy rằng du học sinh trình độ cao không hoàn toàn lép vế so với sinh viên bản địa.
Ngoài ra, một yếu tố khác có thể góp phần tạo ra sự chênh lệch thu nhập là sự khác biệt giữa các trường đào tạo. Các chuyên gia cho biết nếu sinh viên bản địa và du học sinh tốt nghiệp từ cùng một trường đại học thì mức thu nhập trung bình của họ khá tương đồng. Tuy nhiên, do một số trường tại Canada chủ yếu tuyển sinh du học sinh nên có thể dữ liệu thu nhập của sinh viên tốt nghiệp từ các trường này đã kéo mức trung bình xuống.
![]() |
Chính phủ Canada đã bắt đầu áp dụng các biện pháp siết chặt chính sách du học. Ảnh minh họa |
>> Nghề kiếm 3 tỷ đồng/năm: Thu nhập khủng, áp lực cao nhưng không dành cho số đông
Lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2020 phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19. Theo thống kê, hơn một nửa số sinh viên quốc tế tốt nghiệp năm này đã thay đổi tình trạng hoặc kế hoạch việc làm của họ, trong khi gần một phần ba bị mất việc ngay trong năm 2020. Những khó khăn này có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến mức lương thấp hơn của du học sinh so với sinh viên trong nước.
Giai đoạn 2010-2019, số lượng sinh viên quốc tế tại Canada đã tăng gấp đôi, từ khoảng 320.000 lên hơn 640.000. Sau đại dịch, Canada mở cửa mạnh mẽ hơn để thu hút lao động nước ngoài, khiến số lượng du học sinh tiếp tục tăng nhanh chóng, vượt mốc một triệu người vào năm 2023. Tuy nhiên, trước áp lực về nhà ở và dịch vụ xã hội do lượng lớn du học sinh và lao động nhập cư, chính phủ Canada đã bắt đầu áp dụng các biện pháp siết chặt chính sách du học.
Từ tháng 1/2024, chính phủ Canada đã công bố hàng loạt chính sách nhằm hạn chế lượng sinh viên quốc tế nhập học. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là giới hạn cấp giấy phép du học. Năm 2025, Canada dự kiến chỉ cấp 437.000 giấy phép, giảm 10% so với năm trước. Đồng thời, nước này cũng siết chặt quy định về giấy phép làm việc sau tốt nghiệp, khiến nhiều du học sinh lo ngại về khả năng tìm việc và định cư tại đây.
Ngoài ra, một số chính sách mới cũng được đưa ra nhằm kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế theo học tại các cơ sở đào tạo tư nhân – nơi bị chỉ trích là tuyển sinh với số lượng lớn mà không đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
>> Dân IT lo ngại thất nghiệp vì AI nhưng vẫn có những vị trí 'khát nhân lực'
Ngành học Việt Nam cần 21.600 nhân lực, mức lương lên tới 150 triệu đồng/tháng
Ngành học hot bậc nhất, mức lương gần 250 triệu một tháng nhưng vẫn đỏ mắt tìm nhân lực