Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần cơ chế pháp lý để quản lý, khai thác không gian ngầm

23-06-2023 05:25|KHÔI NGUYÊN

Việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian ngầm để sử dụng vào mục đích gì, trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể như thế nào cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ trong dự thảo Luật Đất đai…

Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được dư luận hết sức quan tâm.

luat-dat-dai-sua-doi-can-co-che-phap-ly-de-quan-ly-khai-thac-khong-gian-ngam-2.jpg

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, việc quy định về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình ngầm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đặc biệt là đất đô thị.

Cũng theo vị đại biểu này, hiện, pháp luật đất đai, pháp luật dân sự hiện hành và cả dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có quy định cụ thể về chiều cao và chiều sâu mà tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất được khai thác, sử dụng. Việc giới hạn chiều cao, chiều sâu này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển cho biết thêm, qua rà soát cho thấy trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn thi hành…, các quy định liên quan đến vấn đề trên còn rất tản mát, tiếp cận còn riêng lẻ, thiếu đồng bộ; độ phủ của các quy hoạch thì chưa kín nên gây lúng túng trong quản lý. Nhiều trường hợp phạm vi sử dụng không gian của người sử dụng đất là rất rộng hoặc chưa được xác định dẫn đến thực tế là trên một thửa đất, ở cùng một thời điểm chỉ có một chủ thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực đất đai.

Để khắc phục các vấn đề trên, ông Hiển kiến nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần được nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc về sự phân chia quyền sử dụng đất ngầm theo địa tầng. Theo đó, căn cứ vào từng loại đất, ngoài diện tích bề mặt của người sử dụng đất thì còn quy định độ sâu tối đa mà người sử dụng đất bề mặt được khai thác, sử dụng.

Đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng khoảng không gian bên trên mặt đất để bảo đảm đồng bộ. “Tất nhiên, trong mọi trường hợp, việc khai thác, sử dụng không gian ngầm, không gian bên trên mặt đất vẫn phải theo quy hoạch cụ thể của từng vị trí đất”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, các quy định của dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm mà chưa có các quy định để điều chỉnh đối với không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình. “Chẳng hạn như các khu vực công cộng, vườn hoa, công viên, quảng trường thì có thể cấp quyền sử dụng không gian ngầm cho các tổ chức, cá nhân hay không”, ông Hiển dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo ông cũng cần làm rõ trong trường hợp cho phép sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình không phải là phần ngầm của công trình trên mặt đất thì cơ chế sử dụng đất, mối quan hệ giữa các chủ thể có quyền sử dụng bề mặt đất với chủ sở hữu công trình ngầm sẽ được giải quyết ra sao để tạo thuận lợi cho quá trình khai thác, sử dụng.

luat-dat-dai-sua-doi-can-co-che-phap-ly-de-quan-ly-khai-thac-khong-gian-ngam-1.jpg
Một hầm đường bộ tại Hà Nội 

Cũng chia sẻ về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhận định: Chúng ta cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm như xây dựng Luật về Quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn Luật; Luật Dân sự liên quan đến sở hữu tài sản; Luật Đường sắt liên quan đến phạm vị bảo vệ và hành lang an toàn; sửa đổi một số Nghị định và Thông tư hướng dẫn có liên quan. Từ đó, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm…

“Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung liên quan về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm hay quản lý không gian ngầm đã được bổ sung khá cụ thể. Tuy nhiên, do quản lý đất đai và sử dụng không gian dưới đất để xây dựng và quản lý là khá mới nên một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm như quyền được sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu; quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm giữa các chủ thể tham gia (ở các tầng không gian ngầm - mức độ sâu khác nhau); việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm; quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và người sử dụng đất dưới mặt đất, việc thu hồi, bồi thường để xây dựng công trình ngầm…”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, các công trình ngầm mang đến những giá trị vô cùng lớn, việc phát triển không gian ngầm là xu hướng tiến hóa tất yếu của đô thị hiện nay nhưng Việt Nam lại chưa có hệ thống luật quy định chi tiết về không gian ngầm.

“Có thể thấy ngay từ việc thi công tuyến metro ngầm, quá trình thi công phải di dời một số hộ dân nhất định, do ảnh hưởng đến các công trình bên trên, tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên khoảng không gian dưới đất không thể phân định là sở hữu của ai nên đã xảy ra tranh chấp”, KTS Trần Huy Ánh nêu minh chứng.

Do đó vị chuyên gia này cũng cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định cụ thể hơn, bởi đây sẽ là cơ sở để ra đời các thông tư, nghị định liên quan đến quản lý kỹ thuật. “Bộ Xây dựng cần tham gia vào, bởi đây không chỉ riêng là vấn đề của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Thủ tướng yêu cầu công khai dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện được vay gói 120.000 tỷ đồng

Bảng giá đất: cốt lõi để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-can-co-che-phap-ly-de-quan-ly-khai-thac-khong-gian-ngam-246256.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần cơ chế pháp lý để quản lý, khai thác không gian ngầm
    POWERED BY ONECMS & INTECH