Dùng chung Visa: thêm cơ hội cho du lịch Việt đón khách quốc tế
Vừa qua, Thái Lan đưa ra đề xuất các nước ASEAN sử dụng chung thị thực (Visa) được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể dùng chung Visa vẫn còn nhiều thách thức.
Thêm cơ hội hút khách quốc tế
Mới đây, Thái Lan đã có sáng kiến muốn cùng 5 nước Việt Nam , Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar thành lập khu vực thị thực (visa) chung để khách quốc tế xin visa một lần nhưng có thể đến được 6 nước.
Đánh giá lợi ích mà hoạt động này mang lại cho du lịch Việt Nam, Giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn, đại học RMIT, TS Nuno F, Ribeiro chia sẻ, việc sử dụng chung visa 5 nước Đông Nam Á cũng tương tự như châu Âu sử dụng thị thực Schengen, cho phép du khách tự do di chuyển giữa 27 nước. Vì vậy, chính sách thị thực chung của 6 nước Đông Nam Á khi được áp dụng sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tế khi đến Thái Lan, Malaysia sẽ kết hợp thăm Việt Nam.
“Năm 2023, 6 quốc gia Đông Nam Á đón 70 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD). Nếu thỏa thuận thị thực mới thành công chỉ cần 50% số khách quốc tế đến Thái Lan và Malaysia ghé thăm Việt Nam thì ngành du lịch Việt sẽ bội thu khách quốc tế"- ông Nuno F, Ribeiro phân tích .
Ủng hộ sáng kiến visa chung 6 nước, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Phạm Trung Lương nhận định, việc sử dụng visa chung rất có lợi khi du khách đến nước này nếu còn thời gian có thể quá cảnh sang nước khác mà không cần phải xin visa. Riêng đối với Việt Nam việc sử dụng chung visa còn tạo cơ hội thu hút du khách quốc tế khi đến Thái Lan, Malaysia sẽ đến Việt Nam bởi nước ta có đường bay thẳng đến Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Yangon (Myanmar)…
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy đánh giá, sáng kiến visa chung các nước trong khối ASEAN nếu thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn du khách trong khối ASEAN. Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước. Đồng thời đây cũng là cơ hội nâng cao vị thế cho ngành du lịch bằng tiềm năng và tài nguyên du lịch sẵn có.
Đánh giá cao về đề xuất của Thái Lan, Chủ tịch CLB du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho hay, việc cấp thị thực một lần và sử dụng được ở 6 nước là tạo cơ hội cho những khách hàng có mức chi tiêu cao đi nhiều nước tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Bên cạnh đó việc áp dụng visa chung sẽ thúc đẩy thêm về du lịch đường bộ qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đường bộ liên tuyến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù việc sử dụng chung visa sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch hút khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên đây là điều không dễ thực hiện.
Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS-TS Phạm Hồng Long cho rằng, khối ASEAN còn nhiều rào cản trong việc sử dụng chung visa vì chính phủ các nước chưa thống nhất vấn đề xét duyệt visa đồng bộ. Nên ý tưởng dùng chung visa là hay nhưng việc thực thi là một thách thức.
“Trước đây, các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đã ký kết công nhận các loại xe lưu thông qua biên giới mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu. Khi triển khai còn nhiều hạn chế, do yêu cầu và quy định chưa nhất quán”-ông Long nêu ví dụ.
Nhìn nhận những khó khăn trong việc sử dụng chung visa của 6 nước Đông Nam Á, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Từ Quý Thành cho hay, đề xuất dùng visa chung trong khu vực Đông Nam Á không mới, đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, giữa các nước trong khối còn nhiều bất đồng về thời gian lưu trú, chuyến bay quá cảnh… Ở khối Schengen, các nước sẽ tính việc khách xin visa vào nước nào buộc phải lưu trú tại nước đó nhiều hơn, hoặc phải có đường bay thẳng đến quốc gia đó.
Trong khi, Đông Nam Á chưa thống nhất được những trường hợp như khách xin visa vào Thái Lan thì có bắt buộc phải nhập cảnh vào Thái Lan trước hay không? Hay du khách xin visa Thái Lan nhưng chỉ dùng để vào Việt Nam được hay không… Rồi vấn đề phí cấp visa du khách xin ở nước nào thì nước đó hưởng hay các nước thu rồi sau đó chia đều?
“Không thống nhất được điều này dễ dẫn đến tình trạng có nước hạ phí visa để cạnh tranh lấy khách, điều này sẽ tạo ra việc cạnh tranh không lành mạnh. Khách sẽ chỉ quá cảnh ở nước có phí visa thấp rồi đi các nước khác trong khối”-ông Thành phân vân.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng việc xem xét, tiến tới thực hiện visa chung 6 nước cần cân nhắc đến các yếu tố chính trị ổn định, đảm bảo các vấn đề an ninh, quốc phòng, ngoại giao của tất cả các nước trong nhóm nước đề xuất visa chung. Đồng thời cần xem xét tính khả thi của đề xuất bởi trong thực tế, hợp tác du lịch khu vực, cơ chế hợp tác 5 nước ACMECS (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) đã nhiều lần đưa ra sáng kiến visa chung nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc tham gia nhóm thị thực chung như visa Schengen của châu Âu đòi hỏi Việt Nam cần ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để đồng bộ dữ liệu với các nước, mọi chính sách đều phải liên kết với nhau.
Để làm được những điều này, đòi hỏi sự đồng bộ dữ liệu thông tin du lịch với 5 nước còn lại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển hóa dữ liệu, phù hợp với xu thế hiện nay. Vì vậy, trước tiên Việt Nam cần đẩy mạnh, nâng cao việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch để có thể đồng bộ hóa dữ liệu chung với các nước còn lại.
>> 'Cuộc đua' miễn visa: Thái Lan đón 3,5 triệu lượt khách, Việt Nam vẫn chậm chân