Việc thiếu điện đã khiến doanh nghiệp phải dừng nhà máy từ sáng đến tối, công nhân nghỉ việc và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao.
Nắng nóng kéo dài khiến cho tình trạng mất điện diễn ra trên diện rộng. Điều này đã gây ra không ít khó khăn đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao.
Một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô 2.000 công nhân tại Bắc Ninh cho biết đã nhận được thông báo cắt điện từ tuần trước (cắt 1-10 giờ, tùy ngày). Theo doanh nghiệp, máy phát điện được kích hoạt nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động cơ bản và khu văn phòng, không đảm bảo được sản xuất. Những hôm mất điện lâu, doanh nghiệp buộc thông báo cho công nhân nghỉ việc, làm bù ca vào ngày khác.
Không riêng công ty sản xuất tiêu dùng trên, nhiều đơn vị khác tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) hay Thăng Long (Hà Nội) những ngày qua đều buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi nhận kế hoạch cắt giảm điện 24h trong các ngày 5-6/6.
Tương tự, tại Bắc Giang những ngày qua, loạt doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung cũng nhận thông báo tạm ngừng cấp điện đột xuất trong 24h (từ 7h30 sáng 3/6 đến 7h30 sáng 4/6) khiến nhiều công ty phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc.
Trước đó, ngày 5/6, Trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên cũng ra thông báo dừng hoạt động từ 8h-16h ngày 6/6/2023 vì bị cắt điện.
Đại diện nhiều doanh nghiệp bức xúc, khi khởi động lại nhà máy sau khi mất điện sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. Việc sử dụng máy phát điện với nhiều đơn vị, nhất là sản xuất công nghiệp cũng khó khả thi, bởi mỗi lần chạy động cơ tiêu hao lượng điện năng lớn (500-700 kV), công suất máy phát không đủ đáp ứng.
Tháng 6/2023: Dự báo tiêu thụ khoảng 88,47 triệu KWh |
Không riêng khối sản xuất, các hộ kinh doanh, du lịch cũng bị ảnh hưởng. Cao điểm hè, lượng khách đến sử dụng các dịch vụ làm đẹp và nhu cầu du lịch tăng cao. Một số salon tóc tại Hà Nội lại bị gián đoạn do mất điện (8 tiếng trong ngày).
Chia sẻ khó khăn của ngành điện hiện nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng kế hoạch và phương án cắt giảm điện cần được tính toán để "ưu tiên cao cho sản xuất".
Việc giảm phụ tải điện được các địa phương này đưa ra trong bối cảnh nguồn cung điện cả nước bị thiếu hụt, nhất là tại miền Bắc. Cuối tháng 4/2023, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Cho đến cuối tháng 5, tình hình cung ứng điện ở tình trạng "khẩn cấp" hơn khi theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu khoảng 8.000 MW trong trường hợp cực đoan, tăng 60% so với dự báo trước đây.
Vì thế, A0 đề nghị tăng mức tối đa ngừng cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW, tương đương điện cho miền Bắc giảm 8.100 MW. Trong đó, mức giảm cấp điện lớn nhất của Hà Nội và TP HCM khoảng 4.100 MW.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chiến lược huy động trong thời gian này vẫn duy trì vận hành tối đa nguồn than, dầu khí và năng lượng tái tạo để giữ mực nước các hồ thủy điện, và nâng dần mực nước các hồ lớn phía Bắc.
Ngoài tiết kiệm, ngành điện cũng vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng vào các giờ cao điểm nắng nóng và tham gia chương trình giảm phụ tải (DR). Hiện có khoảng 11.000 khách hàng là các doanh nghiệp tham gia chương trình này, ước tính lượng điện tiết kiệm mỗi ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ.